Điểm mặt những “con nợ” trăm tỷ khó đòi của Gang Thép Thái Nguyên

NGƯỜI ĐƯA TIN PHÁP LUẬT 10:18 25/07/2021

Hoạt động kinh doanh đã có phần khởi sắc sau nhiều năm chìm trong đen tối, song đến nay, Gang Thép Thái Nguyên vẫn còn những khoản nợ xấu cao ngất ngưởng, khó đòi.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán: TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ vào những thuận lợi khi giá thép liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay.

Cụ thể, tính riêng quý II/2021, doanh thu thuần của công ty đạt 3.553 tỷ đồng, tăng 29,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 65,6 tỷ đồng, gấp 6 lần lợi nhuận đạt được so với quý cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 6.559 tỷ đồng, tăng 34%; lãi sau thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 7,1 lần so với 15,5 tỷ đồng năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 50,5% kế hoạch doanh thu và gấp 2,73 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Về tình hình nợ, tổng nợ phải trả của TISCO tại thời điểm 30/6/2021 là 8.024 tỷ đồng, chiếm tới 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn giảm 2%, còn hơn 2.523 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu của TISCO đang ở mức hơn 600 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ đạt 207 tỷ đồng.

Những khoản nợ xấu tồn tại nhiều năm nay khiến công ty Gang Thép Thái Nguyên khó có thể thu hồi. (ảnh: BCTC doanh nghiệp).

Những cái tên nằm trong danh sách nợ xấu của TISCO phải kể đến công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (252 tỷ đồng), công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (127,3 tỷ đồng), công ty TNHH Lưỡng Thổ (102,2 tỷ đồng), công ty TNHH Hồng Trang (24,6 tỷ đồng), công ty Jinsu Resources (23,5 tỷ đồng), công ty Asia Global (14,6 tỷ) và khoản tiền phạt, phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản phải thu quá hạn nhưng không được ghi nhận doanh thu là hơn 201 tỷ đồng.

Trong đó, khoản nợ tại 2 công ty công ty Jinsu Resources và công ty Asia Global, TISCO xác định không thể thu hồi được.

Trong số những cái tên kể trên, công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (gọi tắt là công ty Trung Dũng) với khoản nợ xấu lớn nhất qua nhiều năm không thể thu hồi - từng là cổ đông lớn của TISCO từ năm 2012 với tỷ lệ sở hữu 17,45%.

Tuy nhiên, theo cơ cấu cổ đông hiện tại, công ty Trung Dũng đã không còn là cổ đông lớn của TISCO.

Doanh nghiệp này được gọi tên nhiều lần khi dính dáng đến đại án Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV bị khởi tố vào cuối năm 2018. Ông Trần Bắc Hà đã gây áp lực để nhóm bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho công ty Trung Dũng vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món với số tiền hơn 22 triệu USD. Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Đoàn Hồng Dũng - cựu Giám đốc của Công ty phải thi hành bản án 18 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Không chỉ có công ty Trung Dũng, công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam nợ TISCO 127,3 tỷ đồng – cũng có liên quan đến ông Đoàn Hồng Dũng. Công ty này do bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ Dũng) làm Giám đốc.

Công ty này ông Dũng lập ra nhằm mục đích để những người thân trong gia đình đứng tên, nhằm chuyển hàng lòng vòng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Cũng liên quan đến vụ án của ông Trần Bắc Hà, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn cũng bị xử phạt 3 năm tù với tội danh tương tự ông Đoàn Hồng Dũng.
Đối với công ty TNHH Lưỡng Thổ và công ty TNHH Hồng Trang, đây là 2 doanh nghiệp do vợ chồng Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung thành lập năm 2003. Năm 2011, hai người này ký hợp đồng mua bán thép với TISCO, có thư bảo lãnh của 2 ngân hàng để mua số hàng 32.984 tấn thép và bán hết.

Song số tiền thu được, vợ chồng Nguyễn Quốc Đạt đã sử dụng vào việc khác, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền gần 100 tỷ đồng. Toà án đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Thị Hồng Nhung từ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội Sử dụng trái phép tài sản. Đạt lĩnh án 4 năm 6 tháng tù; Nhung 4 năm 1 tháng 7 ngày tù.

Những khoản nợ xấu cao ngất ngưởng đã tồn tại nhiều năm, công ty TISCO xác định rất khó để thu hồi, thậm chí không thể thu hồi được. Những công ty có khoản nợ với TISCO hầu hết đều đang gặp khó khăn về tài chính, điều này khiến tình trạng chây ì, dây dưa không thanh toán diễn ra.

Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên hiện có vốn điều lệ là 1.840 tỷ đồng, được cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước. Về cơ cấu cổ đông của TISCO ở thời điểm hiện tại, tổng Công ty thép Việt Nam góp 1.196 tỷ đồng (chiếm 65% vốn), công ty Thái Hưng góp 368 tỷ đồng (chiếm 20% vốn), vốn góp của các cổ đông khác là gần 276 tỷ đồng (chiếm gần 15% vốn).

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/diem-mat-nhung-con-no-tram-ty-kho-doi-cua-gang-thep-thai-nguyen-a521891.html

Bạn đang đọc bài viết Điểm mặt những “con nợ” trăm tỷ khó đòi của Gang Thép Thái Nguyên tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất