Đến nay Việt Nam đã giành thắng lợi trên mặt trận y tế trước COVID-19. Doanh nhân cần chinh phục cơ hội vàng khi các nước còn lâm trận chống COVID-19 thì chúng ta đã đẩy lùi. Đây là cơ hội để nắm bắt thị trường mới, tận dụng thị trường nội địa, tận dụng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Trong nguy có cơ
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có khoảng 86% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn, nên doanh thu quý I của các DN giảm mạnh xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.
Thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN Việt Nam vẫn kiên cường chống trọi. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau quyết định dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước, tình hình các DN và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Khảo sát của VCCI về thực trạng của cộng đồng DN cho thấy, tính đến đầu tháng 5, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
“Qua dịch Covid-19, một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Chủ tịch VCCI cho rằng, sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ có sự thay đổi lớn về cách vận hành để phù hợp với tình hình hiện tại. Trong đó, chắc chắn sẽ diễn ra làn sóng chuyển dịch đầu tư mà tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cơ hội đến sẽ nhanh chóng mất đi nếu bản thân DN Việt Nam không tự vận động, thay đổi và cải thiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Về các giải pháp căn cơ và dài hạn hơn trong thời gian tới, cần phải nhận thức và đón bắt được cơ hội từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại hiện đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.
|
Cú đấm chính sách để vực dậy nền kinh tế
DN hiện nay "bung lò xo" nhưng không thể bung như trước đây. Chúng ta xuất khẩu tương đương 100% GDP nhưng các thị trường lớn ở châu Âu, Mỹ... vẫn đang loay hoay trong dịch. Do đó, Việt Nam phải hướng đến bài toán thị trường nội địa để khôi phục kinh tế, các chính sách phải hướng đến phát triển nội địa từ xúc tiến, kết nối vùng, kết nối tỉnh, DN với DN trong nước, DN nước ngoài ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), để hỗ trợ DN trước những khó khăn của dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như giãn nộp thuế, giảm phí, giảm giá điện, có gói an sinh xã hội, miễn đóng bảo hiểm tử tuất… Tuy nhiên, những gói hỗ trợ này chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước. Chủ tịch VINASME cho rằng, còn nhiều nguồn lực trong xã hội cần huy động để phục hồi kinh tế, đó là sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nhau hay nguồn lực nhàn rỗi trong dân... Cụ thể: một nhóm DN có thể hỗ trợ nhau về tài chính, nguồn nguyên liệu, vật liệu, thậm chí là trao đổi chính sản phẩm hàng hóa mà các DN sản xuất ra. Hoặc, một DN có một khoản tiền dư có thể cho một DN khác vay, DN đi vay không cần phải đáp ứng các điều kiện khắt khe như vay ngân hàng mà vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn, DN cho vay có thể sẽ nhận được những quyền lợi khác, hấp dẫn hơn so với mang tiền đi gửi ngân hàng…
“Đây là nguồn cực lớn có thể huy động đến hàng triệu tỷ đồng, nó không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 mà cả về sau nữa. Bên cạnh đó, cần tận dụng và khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Thân nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, DN Việt Nam đã rất chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
“Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức; nhiều DN đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ