|
EVN: Lương lãnh đạo tăng 37%, lương nhân viên tăng 4%
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có tờ trình quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của người lao động, người quản lý Công ty mẹ để Hội đồng thành viên thông qua. Trong năm 2020, EVN muốn tăng mạnh lương cho người quản lý.
Theo đó, năm 2020, tờ trình kế hoạch tăng lương ở EVN tính tăng mạnh cho người quản lý, dự kiến ở mức 10,752 tỷ đồng (14 người). Kế hoạch mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất sẽ ở mức 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019 là 47,173 triệu đồng.
Như vậy, theo kế hoạch trên, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN sẽ nhận mức lương cao nhất với mức 864 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức hơn 630 triệu đồng thực hiện năm 2019. Đối với ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN mức lương dự kiến là 840 triệu đồng năm 2020.
|
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN sẽ nhận mức lương cao nhất với mức 864 triệu đồng. |
Cụ thể, công ty có năng suất lao động bình quân không giảm, lợi nhuận kế hoạch từ 700 tỷ đồng trở lên và cao hơn lợi nhuận của năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa bằng 1,0 lần mức lương cơ bản.
|
Trong khi mức lương kế hoạch 2020 của người quản lý tăng mạnh thì người lao động lại khá nhỏ giọt. |
Một thông tin rất đáng chú ý, trong khi mức lương kế hoạch 2020 của người quản lý tăng mạnh thì người lao động lại khá nhỏ giọt. Cụ thể, mức tiền lương bình quân thực hiện của người lao động tại Công ty mẹ EVN năm 2019 là 23,105 triệu đồng/người/tháng; trong khi kế hoạch năm 2020 cũng chỉ tăng lên mức 24,046 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2019.
Được biết, tổng lao động của EVN thực hiện năm 2019 là 4.046 người, kế hoạch năm 2020 là 4.209 người.
EVN ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 300 tỷ đồng
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán. Theo đó, năm qua doanh thu thuần của tập đoàn này đạt hơn 394.889, tăng hơn 56.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 14% so với năm trước đó.
Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp… lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn đạt trên 12.243 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 8.324 tỉ đồng năm trước đó. Cộng với khoản lợi nhuận khác trên 256 tỉ đồng, EVN lãi trước thuế 12.499,983 tỉ đồng, tăng gần 38% so với mức 9.076 tỉ đồng năm 2018.
Năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính ở mức 8.592 tỷ đồng, giảm 10%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 4,5% lên 12.597 tỷ đồng, chủ yếu là khoản chi phí lãi vay, chiếm tới hơn 10.300 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 1.478 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi gần 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhờ khoản lợi nhuận khác bất ngờ tăng vọt lên 3.586 tỷ đồng nên kết thúc năm 2019, Công ty mẹ EVN vẫn lãi trước thuế 2.107 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 2.103 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.334 tỷ đồng năm 2018.
Chiếu theo báo cáo tài chính, đến hết năm 2019, tổng tài sản của Công ty mẹ EVN là 521.992 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, khoản tăng chủ yếu là tài sản ngắn hạn.
Trong khoản tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty mẹ EVN ở mức 26.588 tỷ đồng, tăng 42% sau một năm. Trong đó, tiền mặt chỉ còn khoảng 7,5 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 11.556 tỷ đồng, còn lại là các khoản tương đương tiền.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 310.155 tỷ tăng hơn 2.000 tỷ so với hồi đầu năm. Trong số nợ trên, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn…
Năm 2020, Tổng giám đốc EVN cho biết sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn điện, hoàn thành các dự án lưới điện, với nhiệm vụ nặng nề cả về tài chính và cung ứng điện. Theo đó, mục tiêu điện sản xuất và mua: 251,62 tỉ kWh tăng 8,9% so với năm 2019; điện thương phẩm: 227,99 tỉ kWh tăng 8,9% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung điều độ điện quốc gia (A0) - cho biết với tình hình thuỷ văn và cung cấp nguyên liệu đầu vào như than, khí khó khăn, đặt ra nhiều thách thức cho năm 2020.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ