Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) sẽ tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất các dự án sân golf, các dự án, công trình không triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại hàng loạt tỉnh, thành phố, trong đó tập trung tại Hà Nội, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Theo kế hoạch vừa được ban hành, Tổng Cục Quản lý đất đai sẽ tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất các dự án sân golf tại 5 tỉnh, thành là Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của dự án, công trình không triển khai hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Cao Bằng, Bắc Kạn; Cà Mau và Bình Phước.
|
Ông Dương Công Minh đã phù phép đất sân golf Long Biên từ sự có mặt tham gia của 1 DN của Bộ Quốc Phòng nay thuộc sở hữu chi phối của mình |
Được biết, trên địa bàn Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình hiện có 17 dự án sân golf được cấp phép.Đây cũng là một trong 4 chuyên đề lớn trong thanh kiểm tra lĩnh vực đất đai mà Tổng cục Quản lý đất đai đã đề ra từ đầu năm.
Trong đó, Hà Nội có 6 sân là BRG King’s Island Golf Resort (Sân Đồng Mô), Hanoi Golf Club Sóc Sơn, Long Bien Golf Club (Sân Long Biên), Sky Lake Golf Club & Resort (Sân Sky Lake) Chương Mỹ, Van Tri Golf Club Đông Anh, BRG Legend Hill Golf Resort Sóc Sơn.
Được thành lập vào năm 2006 với sự tham gia góp vốn của một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng trong cơ cấu vốn hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên (LOBICO) - chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, doanh nghiệp quân đội này không còn nắm bất cứ cổ phần nào.
Trong giấy phép thành lập do Sở KH-ĐT Hà Nội cấp ngày 26-5-2006, LOBICO (đặt trụ sở tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) có vốn điều lệ 200 tỉ đồng với các cổ đông là:
- Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Trường An (Bộ Quốc phòng),
- Công ty TNHH Him Lam (nay là Công ty CP Him Lam),
- Tổng công ty CP Thương mại xây dựng,
- Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam,
- Công ty TNHH đầu tư xây dựng Bảo Lộc.
Tháng 11-2007, LOBICO tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng. Trong đó:
- Công ty Trường An góp 60 tỉ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ),
- Công ty Him Lam góp 120 tỉ đồng (30%),
- Tổng công ty CP Thương mại xây dựng góp 72 tỉ đồng (18%),
- Công ty Thành Nam góp 146 tỉ đồng (36,5%)
- Công ty Bảo Lộc góp 2 tỉ đồng (0,5%).
Vào tháng 3-2014, cơ cấu vốn cổ phần của LOBICO đã có sự thay đổi quan trọng, chỉ còn ba cổ đông lớn gồm hai cổ đông cá nhân và một doanh nghiệp.
Trong đó Công ty Trường An vẫn nắm giữ 15%. Ông Trần Văn Tĩnh - tổng giám đốc Công ty CP Him Lam và là anh họ của ông Dương Công Minh (chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam) - nắm 48,5%.
Bà Dương Thị Liêm - thành viên HĐQT Công ty CP Him Lam (em ruột ông Minh) - nắm 36,5%.
Tháng 9-2014, LOBICO đăng ký bán đấu giá 15% cổ phần của Công ty Trường An tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với giá khởi điểm 90.000 đồng/cổ phần, nhưng bị hủy vào ngày 30-10-2014 do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá.
Đến tháng 11-2014, LOBICO “lột xác” hoàn toàn với nhiều gương mặt mới xuất hiện trong vai trò cổ đông góp vốn.
Đến tháng 8-2015, chỉ sau 9 tháng kể từ khi “nhóm Him Lam” nắm trọn cổ phần LOBICO, sân golf Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác mà không còn bóng dáng cổ phần nào của nhà đầu tư quân đội như trước đó.
Như vậy căn cứ trên hồ sơ sổ sách, các cổ đông hiện nay của LOBICO, tức “chủ” của hai sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, đều là “nhóm Him Lam”.
Trả lời câu hỏi về doanh nghiệp mình đang điều hành có phải là công ty gia đình trị hay không, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT tập đoàn HIMLAM khẳng định trên báo giới: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình tôi là người quyết định thôi. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi. Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi.”Sở hữu 99% vốn của Tập đoàn Him Lam và mong muốn duy trì sự quản lý tới thời con trai, ông chủ tập đoàn này từng cho rằng giá trị cốt lõi của Him Lam chính là… Dương Công Minh.
Với những quyết định có phần độc đoán trong điều hành, đại gia sân golf này đang tạo nên chân lý của riêng mình trong kinh doanh.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng xem xét cho điều chỉnh chức năng phần diện tích khu đất biệt thự 7,7 ha trong dự án Khu sân golf và dịch vụ Long Biên thành dự án xây dựng nhà ở thương mại để bán.
Trước đó, Công ty CP Đầu tư Long Biên gửi Công văn đến UBND TP Hà Nội đề nghị được cập nhật chức năng sử dụng đất dự án Khu nhà ở sinh thái Him Lam Long Biên vào Quy hoạch phân khu đô thị N10 theo tỷ lệ được duyệt. Việc điều chỉnh này thực hiện theo hướng chuyển đổi khu đất dự án sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên từ đất cây xanh thể dục thể thao sang đất đơn vị - nhóm nhà ở xây dựng mới.
Trước đó, tháng 5.2018, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND TP Hà nêu rõ: Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị N10 thì khu đất Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên nằm trong phạm vi đất Quốc phòng (sân bay Gia Lâm) và đất cây xanh cấp TP (thuộc ô đất quy hoạch E.4/CXTP1).
Vì thế, việc xem xét, quyết định chấp thuận điều chỉnh giảm diện tích quy mô dự án sân golf và điều chỉnh chức năng sử dụng đất Dự án Khu nhà ở Him Lam Long Biên trong Khu sân golf và dịch vụ Long Biên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên (Dự án) khởi công từ 05/8/2012, tuy nhiên, công trình chưa hề được cấp phép xây dựng và bản vẽ thi công thì chưa được phê duyệt. Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, xử lý và khắc phục những vi phạm về việc quy hoạch xây dựng và thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại Dự án...
Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên là Chủ đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, địa chỉ trụ sở chính tại Khu trung đoàn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Thanh phố Hà Nội (TP).
Kết luận thanh tra số 172/KL-TTr ngày 24/4/2018 của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên và các đơn vị có liên quan đã lập đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng sân golf và dịch vụ Long Biên chậm 14 tháng so với quy định, là vi phạm Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Không có hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đã được duyệt, là vi phạm Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Đáng lưu ý, khi thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt, Chủ đầu tư không hề có hồ sơ lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thẩm định dự án; chưa có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định cho thuê đất để đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Long Biên theo quy hoạch chi tiết xây dựng. Ngày 05/8/2012, Chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, không hề có giấy phép xây dựng…
Qua kiểm tra nhận thấy, hiện trạng khu đất ký hiệu HH và CL2 là các dãy nhà cấp 4 và cao 01 tầng, tường xây gạch, mái tôn và khu đất ký hiệu BT hiện trạng là mặt bằng đã được san lấp có hệ thống thoát nước, cấp điện, cấp nước và có ươm cỏ. Đây là những khu đất không nằm trong Giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy phép xây dựng, nhưng Chủ đầu tư vẫn đầu tư xây dựng công trình trên đó. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 56C/QĐ-HĐQT-LB ngày 05/6/2014 của Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên về việc phê duyệt dự án đầu tư thì có khoảng 10,15 ha diện tích đất không nằm trong Giấy Chứng nhận đầu tư do UBND TP cấp.
Tại Công văn số 18/2019/BC-LB ngày 03/4/2019 của Công ty Cổ phần Long Biên báo cáo, giải trình, trong thời gian thi công xây dựng Dự án Chủ đầu tư đã xây dựng một số nhà cấp 4 tại Khu đất ký hiệu HH và CL2 làm nhà văn phòng điều hành dự án và san lấp mặt bằng khu đất trên ký hiệu BT để tập kết vật liệu xây dựng. Hiện nay, dự án cơ bản hoàn thiện trên diện tích đất khoảng 109,04ha, chưa đầu tư xây dựng trên diện tích đất ký hiệu HH, CL và BT theo quy hoạch được duyệt nên Chủ đầu tư tạm sử dụng nhà văn phòng điều hành dự án trước đây làm nhà ở cho người lao động của Công ty và lô đất ký hiệu BT làm bãi để xe, ươm trồng cây, cỏ phục vụ cho dự án.
Tuy nhiên, việc Chủ đầu tư đưa công trình, hạng mục công trình vào khai thác sử dụng khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư là vi phạm Điểm b Khoản 1 Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 của Chính phủ.
Không chỉ vậy, còn xây dựng một số công trình chậm so với tiến độ được phê duyệt; chưa đầu tư công trình xử lý nước mặt để kiểm soát chất lượng nước tưới cỏ và phân bón đảm bảo điều kiện đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường bên ngoài là trách nhiệm thuộc Chủ đầu tư. Nhà thầu giao cho một số cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ trì thiết kế hạ tầng kỹ thuật, chủ trì thiết kế Nhà bảo trì mà không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư và các nhà thầu.
Từ những sai phạm kể trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, xử lý và khắc phục những vi phạm về việc quy hoạch xây dựng và thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại Dự án Sân goft và dịch vụ Long Biên theo quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở xây dựng TP Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại Dự án.