Sở Hữu Kỳ Nghỉ vốn là một mô hình nghỉ dưỡng mang lại quyền sở hữu không gian nghỉ dưỡng cho các gia đình vào mỗi kỳ nghỉ cố định hàng năm, trong đó, người sử dụng sẽ sở hữu một hoặc vài tuần nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng kéo dài suốt đời dự án.
Mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” đã ra đời và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ XX, du nhập vào Mỹ trong những năm 70 và đã trở thành một mô hình du lịch phổ biến khắp thế giới với rất nhiều tổ chức trao đổi kỳ nghỉ lớn và sự tham gia của nhiều tập đoàn khách sạn uy tín trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 2015, Dân Trí đã cảnh báo không nên đầu tư vào mô hình này, bởi lẽ tại Việt Nam, mô hình này đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.
Sở Hữu Kỳ Nghỉ - Bỏ nhiều tiền để "ở trọ"...1 tuần trong 35 - 50 năm
Theo tìm hiểu của Dân Trí, khi tham gia mô hình này, khách hàng phải bỏ ra một khoản tiền thuê phòng đắt gấp nhiều lần mua.
|
Khi tham gia mô hình này, khách hàng phải bỏ ra một khoản tiền thuê phòng đắt gấp nhiều lần mua. |
Theo khảo sát tại thời điểm năm 2015, tại trung tâm của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khách hàng hoàn toàn có quyền sở hữu được 01 căn hộ tiện ích có diện tích khoảng 70m2 với tổng giá trị trên 1 tỉ đồng Việt Nam, đã có Giấy chứng nhận quyền sở hữu (“sổ đỏ”) với chất lượng tương khách sạn 4,5 sao. Khách hàng toàn quyền cầm cố, thế chấp, bán, cho thuê, để lại thừa kế...
Còn theo Hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ" của ALMA, tại ngoại ô giá trị cho thuê 01 căn hộ nghỉ dưỡng có giá từ 15.000 USD đến 20.000 USD, nhưng khách hàng chỉ được quyền thuê để ở 01 tuần/năm. Như vậy, đối với 52 tuần/năm, cho 52 khách hàng khác cho thuê với giá thuê như trên thì tổng số tiền/căn hộ có giá trị lên tới trên dưới 1.000.000 USD, nhưng chỉ là người thuê với kiếp “ở trọ” trong căn hộ mà ALMA mới thực sự là người làm chủ.
Như vậy, đây là một hình thức kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, khách hàng hoàn toàn không có quyền sở hữu bất động sản nhưng luôn được dán mác có “quyền sở hữu kỳ nghỉ” “quyền nghỉ dưỡng”, “chủ sở hữu”.. khiến cho khách hàng nhầm tưởng mình đang có quyền sở hữu bất động sản vừa có thể đầu tư kinh doanh sinh lợi.
Hay như trường hợp tai tiếng khác là khu nghỉ dưỡng Alma của Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Alma). Công ty này bị khách hàng “tố” vì những điều khoản “bất thường” trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và cách bán hàng thiếu minh bạch. Alma mới đây bị phạt 30 triệu đồng việc xây dựng dự án chậm tiến độ.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết thời gian qua nhiều cá nhân đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma đến nhờ ông bảo vệ quyền lợi. Ông Tú cho biết hợp đồng của Alma có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng. Một số khách hàng cho biết đã bị nhân viên của Alma “thuyết phục” ký hợp đồng khi chưa có thời gian đọc để hiểu hoặc nhờ chuyên gia rà soát lại các điều khoản trong hợp đồng. Do vậy, lúc ký xong, đóng tiền rồi khách hàng mới hối hận vì phát hiện ra những rủi ro, bất lợi với mình.
Trong khi đó, nhân viên bán hàng, marketing của những công ty dạng này vẫn ngày ngày vẽ ra một bức tranh hoàn mỹ cho khách hàng. Rằng chúng ta hàng năm có thể đi du lịch vòng quanh thế giới, được ở trong một căn phòng sang trọng, trong một khu resort 5 sao trên một bãi biển đẹp hay khu đồi núi thơ mộng, thưởng thức những thức ăn tươi ngon và tận hưởng cảm giác thư giãn. Rằng những ước mơ đó có thể biến thành hiện thực khi mua và sở hữu kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, có một thực tế phũ phàng là không ít người sau khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ xong thì cảm giác hoàn toàn ngược lại.
Bóc tách cách thức "chốt sale" của ALMA
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Yến (sinh năm 1969, Hà Nội) là một trường hợp đáng tiếc vì đã trót "ký" mà không biết rõ các điều khoản hợp đồng. Cụ thể, 4 năm trước, chị Yến đã được mời đến hội thảo của Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường về khu nghỉ dưỡng cao cấp ALMA Resort Cam Ranh, được giới thiệu gói sản phẩm nghỉ dưỡng.
Đầu năm 2019, chị Yến đã quyết định mua 1 kỳ nghỉ dưỡng với mong muốn làm điều bất ngờ để hàng năm gia đình nội, ngoại có chỗ đi du lịch. Chị đã bỏ ra 500 triệu đồng mua một kỳ nghỉ dưỡng của ALMA. Ngay sau đó, chị lần lượt ký tới mua 6 hợp đồng của ALMA với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
|
Áp lực nợ nần khiến chị Nguyễn Thị Thanh Yến hóa "tâm thần" thân hình tiều tụy và những biến cố gia đình kể từ khi ký hợp đồng với ALMA - Vịnh Thiên Đường. |
Nhưng đến giữa năm 2019, khi tìm hiểu về kỳ nghỉ dưỡng này, chị mới bất ngờ vì sự thật trái hoàn toàn so với lời quảng cáo. Cụ thể, mỗi một hợp đồng sẽ lên tới vài trăm triệu chỉ để sở hữu kỳ nghỉ 7 ngày mỗi năm và thời gian kéo dài hơn 35 năm.
Trái với quảng cáo cho rằng, việc sở hữu kỳ nghỉ cho từng căn sẽ y như sở hữu căn hộ, và có thể chuyển nhượng được, sinh lời cao 10 - 16% thì thực tế khách hàng không được phép sang nhượng. Chưa kể, để được hưởng kỳ nghỉ này chỉ có chủ sở hữu mới được tham gia nghỉ dưỡng, không thể dành cho người khác và phải đóng phí hàng năm từ 5 - 9 triệu đồng/tháng.
Tất cả điều đó chưa dừng lại, chị Yến còn cho biết, phía ALMA còn giả chữ ký của chị để tạo ra mã giảm giá mới cho khách hàng khác. “Nếu khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới sẽ được khấu trừ 35%. Nhân viên tư vấn đã chủ động tự ký chữ ký của tôi, sử dụng tên tôi trở thành mã giảm giá cho khách hàng mới mà không được sự nhất trí của tôi. Khi tôi yêu cầu làm rõ, họ đã từ chối trả lời và vòng vo giải quyết”.
Phân tích về thủ đoạn tinh vi của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, anh Trần Phong - một chủ sở hữu, đồng thời là một luật sư cũng đã bị lừa ký 1 hợp đồng trị giá 500 triệu đồng cho rằng Vịnh Thiên Đường đã sử dụng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp ALMA Resort Cam Ranh làm mồi nhử, sử dụng các sale làm công cụ và lợi dụng sự “nhẹ dạ” của khách hàng ký các bản hợp đồng để chiếm đoạt tiền của các chủ sở hữu.
Họ rất tinh vi trong sự phối hợp giữa sale và quản lý sale. Nếu khách hàng có những câu hỏi khó dành cho sale thì không hiểu từ đâu, ngay lập tức, quản lý sale sẽ có mặt như một cơn gió để hướng dẫn khách hàng sang một chủ đề khác. Họ vẽ ra rất nhiều điều hoa mỹ và lợi ích kinh tế dành cho các chủ sở hữu nhưng thực tế thì không có bất cứ một điều nào của sale tư vấn được hiện hữu trong nội dung bản hợp đồng cả.
Để soạn thảo bản hợp đồng cho các chủ sở hữu xuống tiền, phía ALMA đã nắm được điểm yếu của nhiều người Việt Nam là rất hạn chế về kiến thức pháp luật và thông thường chỉ áp dụng các điều khoản của Luật Du lịch, Luật Dân sự và Luật Thương mại mà cố tình không áp dụng một số luật rất quan trọng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Doanh nghiệp.
Vì nếu áp dụng các điều luật này thì hầu như tất cả các điều khoản trong bản hợp đồng này đều vi phạm. Tiếp đó họ đào tạo huấn luyện đội ngũ quản lý Sale hết sức kỹ lưỡng để dụ chủ sở hữu vào tròng. Còn sale tư vấn trực tiếp thì thực ra họ cũng chỉ như cái máy nói thôi.
Họ dụ dỗ khách hàng để khách hàng hiểu rằng họ đang xây dựng một cung điện tráng lệ, nếu khách hàng bỏ tiền vào đó, thì sau này khách hàng sẽ được nghỉ ngơi trong đó với giá rẻ như cho.
Nếu khách hàng không muốn nghỉ thì họ sẽ cho thuê giúp để khách hàng mang về một số tiền kếch xù! Tuy nhiên, trên thực tế trong nội dung hợp đồng thì khách hàng không hề có một sự liên quan pháp lý gì đến cái toà lâu đài đó cả.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ