Hàng loạt tài sản được rao bán
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa ra thông báo lựa chọn tổ chức thẩm định giá khoản nợ tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long.
Tài sản định giá chính là khoản nợ của Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long Chi nhánh Thanh Xuân.
Khoản nợ này được đảm bảo bằng quyền đòi nợ của 2 hợp đồng kinh tế được ký kết giữa Thăng Long với CTCP Bưu chính Viễn thông NVT, giữ Thăng Long và CTCP Đầu tư Thành An. Cùng 3 động sản là xe ô tô Lexus (BKS 51A- 108.58), cẩn trục tháp (model LT5517A-8) và xe ô tô BMW (BKS 30Z- 5806).
Ngoài ra, BIDV Vĩnh Long cũng muốn chọn tổ chức đấu giá toàn bộ nợ gốc, lãi và phí của CTCP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long với giá khởi điểm tạm tính đến 31/8/2019 là 208,6 tỷ đồng. Trong đó 134,5 tỷ là vay bằng VNĐ và hơn 3,19 triệu USD.
Tài sản đang đảm bảo cho khoản nợ này là hàng chục ngàn m2 đất ở Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trong đó, quyền sử dụng 9.576 m2 đất tại thửa số 55 đường Lưu Văn Kiệt, khóm 1, phường 2, TP Vĩnh Long; 1.198 m2 đất tại thửa 133 và 26 tại khóm Hùng Vương, phường 1, TP Vĩnh Long và 5.135,5 m2 đất gồm 12 thửa tại xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cùng gần 2.937 m2 đất của ông Lê Tuấn ở xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Đồng thời, BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ tại Công ty TNHH Thanh An An lần 3. Tổng dư nợ của khoản vay tính đến ngày 30/11/2019 là 107 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 50,77 tỷ đồng, dư nợ lãi và phí phạt là 56,56 tỷ đồng. Giá khởi điểm cho khoản nợ này là 97,28 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là 30 quyền sử dụng đất ở tại đô thị tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thanh An An.
Thêm một khoản nợ cũng đáng chú ý là của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) được đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tọa lại tại số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM với diện tích 582,7 m2, diện tích sàn 117,6m2. Giá khởi điểm cho khoản tài sản này là 57 tỷ đồng.
Gần đây nhất, BIDV đưa ra thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ với 8 tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở Gò Vấp, Phú Nhuận (TPHCM) và Bình Dương, cùng và các loại ô tô. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/12/2019 của khoản nợ này là 268,9 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, BIDV là một trong những nhà băng rất tích cực trong việc rao bán nợ xấu với những khoản khổng lồ từ các ông lớn bất động sản, vận tải như Hưng Ngân, Thuận Thảo, Đức Khải, Việt Can, Như Ý, Việt Hải...
|
BIDV ghi nhận số liệu nợ có khả năng mất vốn cao nhất hệ thống
Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào tháng 8/2017, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, BIDV, Sacombank,VietinBank,... đều là những ngân hàng có nợ nhóm 5 đứng đầu hệ thống cũng đang rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.
Đặc biệt, BIDV là 1 trong 4 NHTM có vốn nhà nước quy mô lớn trong hệ thống NH Việt Nam. Song NH này lại sở hữu khối nợ xấu (nợ nhóm 5) lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, BIDV có 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ. Trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV đã phát đi khoảng 30 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo.
Từ đầu năm đến nay, BIDV đã ra một loạt thông báo về việc thẩm định giá, lựa chọn tổ chức và rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo là các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của các tổ chức tại nhà băng này gồm bất động sản, thiết bị khai thác thủy sản,...Đáng chú ý có nhiều tài sản phải rao bán nhiều lần.
VCSC đánh giá BIDV bị ảnh hưởng bởi Thông tư 22, nhưng khả năng đạt chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng tránh bị ảnh hưởng bởi khía cạnh tiêu cực nhất trong Thông tư.
Theo VCSC, Thông tư 22 sẽ có tác động khiến BIDV tìm kiếm các nguồn vốn huy động/giấy tờ có giá dài hạn và tương ứng là xu hướng gia tăng trong chi phí huy động trong vài năm tới.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ