Theo đó, dư nợ gốc hiện nay là 14,3 tỷ đồng, trong đó lãi 10,7 tỷ đồng và lãi phạt hơn 5,3 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là 4.300.000 cổ phần Công ty Tiến Nga của ông Hoàng Thanh Tân (mã số cổ đông TN0001, theo Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần ngày 8/8/2015 do Công ty Cổ phần Tiến Nga phát hành).
Giá trị định giá thời điểm cho vay là 43 tỷ đồng.
Trước đó, BIDV cũng từng rao bán khoản nợ gần 670 tỷ đồng của Công ty Tiến Nga. Khoản nợ này được đảm bảo bằng hai hệ thống kho bãi tập trung tại ICD Tân Cảng – Long Bình và Phước Tân (Đồng Nai), 19 quyền sử dụng đất tại huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa, một quyền đòi nợ và khoản phải thu của đối tác công ty Tiến Nga.
|
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2019. |
Công ty Tiến Nga tiền thân là Doanh nghiệp Tiến Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, cho thuê kho bãi từ năm 2002. Diện tích kho bãi cho thuê và chứa hàng nông sản của công ty có thời điểm lên đến 280.000 m2 với 22 nhà kho lớn nhỏ khác nhau, được đánh giá là hệ thống kho chứa hiện đại và quy mô bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Tại Vietinbank, trong quý 2,3/2019 ngân hàng đã thông báo đấu giá nhiều tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, các tài sản bán đấu giá của ngân hàng này đều trong tình trạng khó thanh khoản và tiếp tục hạ giá.
Theo BCTC, đến quý 1/2019, tổng nợ xấu của VietinBank tăng 17% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 tăng 11%, tương đương 10.488 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng 59%, tương đương hơn 3.385 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1.85% so với con số 1.58% hồi đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, VietinBank cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, từ mức 4.952 tỷ đồng của năm 2018 tăng vọt lên 7.477 tỷ đồng.
Việc xử lý nợ xấu hiện vẫn là nhiệm vụ trọng điểm của ngân hàng này. Hơn nữa, thời hạn áp dụng Basel 2 tại Vietinbank cũng đang đến gần nên sẽ phải nhanh chóng thanh lý các tài sản để thu hồi tiền mặt và hoàn trả các khoản nợ đến hạn.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam