Vì sao ngân hàng dồn dập bán phát mãi bất động sản vẫn ế ẩm?

DTVN 15:28 17/05/2020

BIDV, Sacombank, Agribank có nhiều lần phát mại tài sản nhưng không thành công, phải bán hạ giá hoặc cho thanh toán trả chậm khoản vay mua tài sản

Hàng loạt ngân hàng phát mãi bất động sản nhiều lần thu hồi nợ xấu

Năm 2018 - 2019, Sacombank từng phát mại nhiều lần 3 khối bất động sản kèm đại hạ giá gần 3.000 tỷ đồng mà vẫn chưa bán được. Đầu tiên là toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 cũng tại phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình được rao bán với giá khởi điểm điều chỉnh là 6.029 tỷ đồng, giảm 1.003 tỷ đồng so với ban đầu.

Tài sản thứ hai là dự án Khu dân cư phường Bình Thủy, TP Cần Thơ có giá khởi điểm 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước. Tài sản thứ 3 là dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh, TP HCM với giá 6.650 tỷ đồng, giảm 950 tỷ đồng so với mức giá ban đầu.

Vào năm 2017, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Agribank (Agribank AMC) bán đấu giá tài sản đảm bảo là tài sản và quyền sử dụng đất dự án cao ốc V-Ikon đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Dự án từng được quảng cáo có sân đáp máy bay trực thăng và đài quan sát thiết kế theo tài liệu của Hiệp hội hàng không Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô thì chủ đầu tư V-Ikon không còn khả năng tài chính để hoàn thiện nên đã bỏ hoang. Dự án đã bị thu giữ để xử lý nợ với giá khởi điểm 373,5 tỷ đồng. Sau 5 lần ế ẩm, dự án đã được giảm giá 20% so với kỳ vọng ban đầu còn 299 tỷ đồng. Lần cuối cùng, đến tháng 7/2018, một nhà đầu tư đã chi 301,15 tỷ đồng để sở hữu dự án.

Cũng trong năm 2017, Sacombank phải mất 3 lần tổ chức bán đấu giá gần 923 ha đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3 (tỉnh Long An). Từ giá bán khởi điểm 9.987 tỷ đồng được đưa ra khi thông báo bán lần đầu và đến lần thứ 3, giá bán giảm 787 tỷ đồng còn 9.200 tỷ đồng. Ngân hàng còn áp dụng chính sách ưu đãi: nhận đủ tiền đặt cọc 920 tỷ đồng vào ngày ký hợp đồng, còn 8.280 tỷ đồng sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm.

Không chỉ Sacombank, nhiều ngân hàng cũng từng tiến hành phát mại, đấu giá tài sản bất động sản nhiều lần, thậm chí giảm giá sâu hơn để thu hồi nợ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Gia Định (BIDV Gia Định) vừa rao bán lần thứ ba các căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường 15B Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM. Số lượng rao bán lần này là 55 căn hộ với diện tích dao động 135 - 368 m2, giá 2 - 5,2 tỷ đồng. Như vậy, mức giá trung bình khoảng 14,8 triệu đồng/m2, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa gồm 2% phí bảo trì.

Mức giá phát mại trên đã giảm 5% so với các đợt chào bán trước đó, theo chính sách giảm giá của ngân hàng. BIDV tiến hành phát mại các căn hộ thuộc The Era Town từ tháng 10/2019, trải qua 3 lần với số lượng lần lượt 27 căn, 26 căn và 65 căn.

Ngoài khoản phát mại này, BIDV chi nhánh Phú Tài vừa có lần thứ 4 thông báo thực hiện bán đấu giá khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Giá trị khoản nợ còn 800 tỷ đồng, giảm 33% so với lần đấu giá đầu tiên. Tài sản đảm bảo là 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường Bùi Thị Xuân, quận 1; thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu công ty Thuận Thảo

Bất động sản phát mại giá thấp nhưng vẫn bị chê

Dù ngân hàng đang phát mãi nhiều sản phẩm bất động sản nhưng theo phản hồi từ các sàn giao dịch, loại sản phẩm này đang bị "chê". Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, các tài sản bất động sản phát mại phần lớn có giá thấp hơn thị trường, tuy nhiên lại tồn tại nhiều rào cản về pháp lý, thủ tục giải chấp tài sản, thủ tục định giá, đấu giá. ... Do đó người mua cần lưu ý tính pháp lý quyền mua, quyền bán; các thủ tục giải chấp tài sản, tìm hiểu kỹ những điều này sẽ tránh được tình trạng dự án khó triển khai sau khi hoàn thành đấu giá..

Đơn cử như rủi ro phát sinh khi người mua phát mãi mua trực tiếp từ chủ nhà cũ - tức "con nợ" thông qua sự giới thiệu từ phía ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Hoặc tài sản phát mãi bị vướng tranh chấp do gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác hoặc nằm trong diện quy hoạch… khiến người mua tài sản phát mãi không thể sử dụng được.

Theo Chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển, tài sản phát mãi từ ngân hàng không phải dễ mua với 'giá hời', mặc dù là cơ hội cho người muốn mua tài sản với giá tốt, tuy nhiên những tài sản này đã phải qua nhiều thủ tục giải chấp, cần chú ý tính pháp lý, tránh các trường hợp trục trặc mà người mua sẽ gặp rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Vượng - Phó TGĐ Công ty CP Bất động sản SACO đưa ra lời khuyên, nếu mua tài sản phát mại để ở, giá rẻ hơn 20% giá thị trường thì có thể mua; còn nếu vay vốn để đầu tư thì nên cân nhắc bởi lãi suất vay ngân hàng hiện nay khá cao, nếu găm vốn lâu thì phải tính.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ngân hàng dồn dập bán phát mãi bất động sản vẫn ế ẩm? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất