Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng

DTVN 06:45 06/10/2019

Ngày 04/10/2019, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo “Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Thuý Hiền, Thiếu tướng Dương Văn Thăng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; các đồng chí Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân các tỉnh; Về phía Hiệp hội Ngân hàng có ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: NHNN, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), Hiệp hội Ngân hàng…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Thuý Hiền cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 15/8/2017, đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành nhiều nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật liên quan đến tranh chấp tín dụng, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Trong 5 năm trở lại đây, với sự phát triển ngày càng hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng đã từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án trong thời gian vừa qua cho thấy,việc xét xử các loại vụ việc này cũng phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thể chế, năng lực xét xử của Tòa án… dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết trong thời gian dài, qua nhiều cấp xét xử, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Trên thực tế, các TCTD hội viên phản ánh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp; trong thực tiễn thi hành các bản án, giải quyết tranh chấp về tín dụng tại cơ quan thi hành án dân sự.

Hội thảo nhằm góp phần tạo điều kiện cho các TCTD hội viên có cơ hội được nghe trao đổi, thảo luận với các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa, để các cơ quan liên quan có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động kinh doanh ngân hàng, thực tiễn công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại Tòa, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Trao đổi, thảo luận về các vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng tại Tòa án hiện nay và thực tiễn giải quyết tại Tòa án các cấp; Kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các tranh chấp về tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng; Kiến nghị, giải pháp, đề xuất những bản án, quyết định, tình huống có thể phát triển thành án lệ hoặc xây dựng văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong giải quyết các tranh chấp về tín dụng…

Tại Hội thảo, các tham luận đã được trình bày bởi các Chánh án, Thẩm phán, đại diện ngân hàng… với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết tranh chấp tín dụng và các tranh chấp dân sự khác trong lĩnh vực ngân hàng. Nhiều vấn đề vướng mắc cũng đã được lắng nghe, giải đáp và tháo gỡ trong thực tiễn thi hành pháp luật. Trên cơ sở ý kiến, tham luận của các đại biểu, chuyên gia, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp, nghiên cứu ban hành hoặc phối hợp với bộ ngành liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất theo pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định: Hội thảo là dịp để ngành Ngân hàng trình bày những vướng mắc cùng các đại biểu từ tòa án các cấp trao đổi về thực trạng xử lý hiện nay, trên cơ sở đó rút ra được nguyên nhân thực sự, đồng thời đưa ra hướng xử lý, kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan, hướng dẫn thực hiện rõ hơn. Qua đây tìm được cách giúp giải quyết, hài hòa lợi ích các bên tham gia, khơi thông được dòng vốn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Những trao đổi, quan điểm từ góc độ Tòa án với ngành Ngân hàng và nhiều ý kiến giá trị giúp ngành Ngân hàng hoàn thiện hơn, xử lý công việc tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Hội thảo “Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án Nhân dân” là hoạt động có ý nghĩa nhằm trao đổi, thảo luận về các vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tín dụng và các tranh chấp dân sự trong lĩnh vực ngân hàng tại Tòa án hiện nay và thực tiễn giải quyết tại Tòa án các cấp. Hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng và đưa ra những khuyến nghị để phòng tránh, hạn chế, giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh, đề xuất bản án, quyết định của tòa án trong lĩnh vực ngân hàng phát triển thành án lệ, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng…

Theo Cổng TT Ngân hàng nhà nước

Bạn đang đọc bài viết Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là từ tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh của FE Credit tiếp tục