Tại Hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra chiều 25/9 do Ngân hàng Chính sách xã hội và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá, chính sách tín dụng đã tạo cơ hội rất lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số, đó là hỗ trợ nhà ở, từ đó có thể có sinh kế và thoát nghèo.
Chính sách tín dụng tạo cơ hội để thay đổi cuộc sống
Thực tế cho thấy, nếu cho vay đơn thuần, khó có khả năng cải thiện được cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kể cả thay đổi sinh kế mà không gắn với thị trường thì cũng còn khó khăn.
Ðiều này đòi hỏi chất lượng tín dụng phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
“Chính sách tín dụng là một điểm sáng, không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được vốn vay, mà còn gắn với chuyển giao kỹ thuật, tạo cơ hội để thay đổi cuộc sống.
Theo đó, khoảng 40.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận số vốn vay hơn 50 triệu đồng/hộ; 1,4 triệu hộ tiếp cận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội”, bà Mai thông tin.
|
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. |
Bà cho rằng cần phải sắp xếp toàn bộ 118 chính sách để tập trung lo cho đồng bào được tốt hơn khi chính sách giảm nghèo đang điều hành rất tản mạn.
Bà Mai cũng khẳng định cần phải tập trung thêm nguồn lực để lo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cần phải tìm ra nguyên nhân chính xác để hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả. Chấm dứt được tình trạng ‘tín dụng đen’ đang tràn lan trong xã hội và nguy cơ rủi ro cho người dân.
Nhu cầu về vốn cho sản xuất và tiêu dùng tồn tại khách quan và không ngừng tăng thêm. Vì vậy giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng tín dụng đen là tăng cường hệ thống tín dụng chính thức (tín dụng kinh doanh và tín dụng chính sách xã hội) cả về nguồn vốn vay, mạng lưới cơ sở cho vay và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ở đây vài trò đặc biệt vẫn thuộc về Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Ðỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thiếu vốn sản xuất cho sinh kế, mà còn thiếu những nguồn vốn nhỏ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
“Ðể góp phần phòng chống ‘tín dụng đen’ ở nông thôn, đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho chỉ đạo lập đề án cho vay tiêu dùng với mức độ hợp lý”, ông Chiến nói.
Từ ngày 1/3 vừa qua, mức cho vay tối đa tại một số chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được nâng lên 100 triệu đồng. Cùng với đó, thời hạn cho vay tối đa cũng được nâng lên 120 tháng.
Quyết định này cũng đang được bà con hồ hởi đón nhận, đồng thời, mở ra kỳ vọng tạo nên hiệu ứng tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là những huyện nghèo còn nhiều khó khăn trong cả nước.
Cần có chính sách cho vay phù hợp với từng đối tượng
Bà Mai chia sẻ câu chuyện khi đi khảo sát cuộc sống của người nghèo vào năm 2012: “Tại phường 6, quận Tân Bình (TP.HCM), bà con chỉ cần 10 triệu đồng để có xe bánh mỳ, gánh chè…, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tới 20 triệu đồng. Trong khi đó, các hộ của 1 xã nghèo ở Lâm Ðồng nói muốn vay 50 triệu đồng và nếu vay thấp hơn thì không đủ đầu tư trồng cây cà phê”.
|
Cần có chính sách cho vay đối với từng đối tượng, từng địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội cần có những gói hỗ trợ hợp lý với bà con trồng cà phê, cao su, buôn bán nhỏ lẻ,... |
Ðóng góp ý kiến, bà Mai cho rằng, cần có chính sách cho vay đối với từng đối tượng, từng địa bàn, không nên cào bằng mức cho vay.
Bà Ðỗ Thị Kim Hảo, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng nêu quan điểm: “Cần nghiên cứu vấn đề cho vay tiêu dùng như thế nào để phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đã có Nghị quyết, giao cho Ban điều hành Ngân phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước xây dựng, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để báo cáo các cấp có thẩm quyền về chương trình tín dụng thí điểm về tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số để phòng chống “tín dụng đen”.
“Cơ chế nào để chúng ta có thể huy động đủ nguồn lực bù đắp chi phí huy động và quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể cho vay với một lãi suất thấp hơn đáng kể so với lãi suất mà đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như đối tượng vay vốn của Ngân hàng phải tiếp cận vốn tại thị trường phi chính thức? Ðây là vấn đề Ban điều hành Ngân hàng phải khẩn trương xây dựng”, ông Hưng nhấn mạnh.
“Rất mong các đại biểu chia sẻ thật, ủng hộ thật, thương thật, giúp đỡ thật để vùng dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội phát triển mới”, ông Chiến nói.
Theo Đầu tư Chứng khoán