BIDV “dẫn đầu” về tổng nợ xấu, 'chấp' cả Vietcombank và VietinBank cộng lại
Có thể thấy, nửa đầu năm 2020, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng lên và tăng nhanh hơn so với mức tăng trưởng cho vay khách hàng.
Trong 4 “ông lớn” thuộc ngân hàng nhà nước, hiện Agribank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 nên không rõ tình hình nợ xấu của nhà băng này như thế nào. Còn BIDV, Vietcombank và VietinBank thì đều ghi nhận nợ xấu tăng mạnh so với đầu kỳ.
|
Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17% |
Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%. Trong khi đó, cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 2%, đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng khiến tỉ lệ nợ xấu kéo từ 1,77% lên 2,03%. Thực sự đáng quan ngại khi nợ xấu tại thời điểm kết thúc quý 1 giảm nhưng lại tăng trong quý 2.
Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ nhóm 5 hiện đang lớn nhất hệ thống. Tính đến ngày 30/6/2020, ngân hàng này ghi nhận nợ nhóm 5 tăng lên mức 13.342 tỷ đồng.
BIDV luôn “dẫn đầu” về tổng nợ xấu so với các nhà băng khác, do đó, nhà băng này đã bắt đầu chủ động xử lý nợ nội bảng từ năm 2017 và ghi nhận tổng cộng 43 nghìn tỷ đồng (không tính VAMC) trong giai đoạn 2017-2019.
Trong khi đó, dù nợ xấu của VietinBank kỳ này tăng mạnh hơn 47% khi nhận 15.968 tỷ đồng và Vietcombank tăng gần 11% lên 6.433 tỷ đồng thì vẫn không "bắt kịp" được với BIDV. Nghĩa là tổng nợ xấu của Vietcombank và VietinBank cộng lại cũng chỉ ở mức hơn 22.400 tỷ đồng, vẫn còn kém một mình BIDV.
Thực tế, nhận thấy sức ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN đã đề phòng việc nợ xấu toàn ngành sẽ tăng lên mức 3-4% năm nay - là mức nằm trong tầm kiểm soát. Vì thế, các nhà băng đã sớm mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro.
Đối với 15.968 tỷ đồng nợ xấu của VietinBank, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3.5 lần và nợ nghi ngờ tăng 84%, riêng nợ có khả năng mất vốn lại giảm 17% về còn 5.959 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1.16% đầu năm lên 1.7%.
Sau khi báo cáo tỷ lệ xử lý nợ sớm trong quý 1 (tỷ lệ xử lý nợ trong khoản vay gộp đạt 1,25%), tỷ lệ xử lý nợ tính từ đầu năm của VietinBank giảm còn 0,85% khoản vay gộp trong 6 tháng 2020 so với 0,92% trong cả năm 2019.
Tổng nợ xấu thấp nhất trong 3 nhà băng này chính là Vietcombank (VCB) khi chỉ chiếm 6.433 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu kỳ, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0.79% lên 0.83%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56% so với đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn lại giảm nhẹ 2% về mức 4.428 tỷ đồng. Vietcombank không có xử lý nợ trong quý 2/2020.
Từ các con số trên, cho thấy bức tranh nợ xấu tại các ngân hàng không mấy sáng sủa trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 khiến ngành ngân hàng cũng khó tránh khỏi những tác động tiêu cực.
“Chăm chỉ” rao bán các khoản nợ nhưng...không ai mua
BIDV là một trong những nhà băng rất “chăm chỉ” rao bán các khoản nợ để thu hồi nợ xấu. Nhà băng này đã phải rao bán với giá thấp, nhưng vẫn khó có người mua. Nhiều trường hợp phát mãi đến vài chục lần, giá thấp hơn 20 – 30%, nhưng chưa bán được.
Sau 16 lần đấu giá tài sản bất thành, mới đây BIDV Phú Tài lại thông báo đấu giá tài sản của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với giá khởi điểm 800 tỷ đồng, giảm 1.935 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi. Con số này giảm hơn 50% so với giá khởi điểm đầu tiên đưa ra vào tháng 8/2018 ở mức 1.208 tỷ đồng.
|
BIDV rao bán tài sản Công ty Thuận Thảo, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với tổng nợ. |
CTCP Nhà Hưng Ngân (gọi tắt là Nhà Hưng Ngân) cũng là một trường hợp điển hình rao bán kèm đại hạ giá nhiều lần nhưng không ai mua tại BIDV.
Cụ thể, đầu tháng 6/2020, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ Nhà Hưng Ngân, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ. Đây đã là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán khởi điểm hiện tại đã giảm gần 24%, còn so với lần rao bán thứ 3 hồi tháng 5/2020, giá rao bán cũng giảm 6%.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên tục chào bán nhiều khoản nợ liên quan đến dự án nhà ở và đất nền.
Gần đây, BIDV-chi nhánh Gia Định cũng thông báo bán phát mãi 55 căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) với giá giảm 5% so với các đợt chào bán trước từ 2 – 5,2 tỉ đồng/căn.
Giá bán khởi điểm dao động từ 2,188 – 5,4 tỷ đồng/căn, diện tích từ 135,98 m2 đến 368,45 m2. Như vậy bình quân giá bán chỉ từ 15 – 16 triệu đồng/m2, mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Đây không phải lần đầu BIDV thông báo bán phát mãi căn hộ dự án The Era Town. Trước đó, BIDV cũng đã 3 lần rao bán phát mãi căn hộ tại dự án này. Đợt chào bán đầu tiên tại chung cư này của BIDV diễn ra vào tháng 10/2019 gồm 27 căn và BIDV chỉ bán được 1 căn.
Ngoài ra, còn nhiều dự án bất động sản là tài sản đảm bảo đang được BIDV ráo riết rao bán để thu hồi nợ xấu.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ