BIDV: Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh
Sau soát xét, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) chuyển 432 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) sang nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Như vậy, nợ nhóm 3 sau soát xét giảm từ hơn 4.238 tỷ đồng xuống còn gần 3.806 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 433 tỷ đồng, từ 13.343 tỷ đồng lên 13.776 tỷ đồng.
Với việc dịch chuyển nhóm nợ, tổng nợ xấu và dư nợ cho vay của BIDV không thay đổi nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng vẫn ở mức 2% so với trước khi soát xét.
|
So với đầu năm 2020, tổng nợ xấu của BIDV đã tăng 17% do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cùng tăng 21%. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1.75% lên mức 2%.
Về kết quả kinh doanh, do dịch chuyển nhóm nợ từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ có khả năng mất vốn, BIDV đã tăng thêm hơn 219 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, khiến lãi ròng của Ngân hàng giảm hơn 83 tỷ đồng, tương đương giảm 2% sau soát xét.
So với cùng kỳ năm 2019, lãi ròng của BIDV giảm nhẹ 8%, còn hơn 3,392 tỷ đồng.
BIDV luôn “dẫn đầu” về tổng nợ xấu
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng gần 17% lên 22.769 tỷ đồng. Được biết, tổng nợ xấu của Vietcombank và VietinBank cộng lại cũng chỉ ở mức hơn 22.400 tỷ đồng, vẫn còn kém một mình BIDV.
Điều đáng buồn là BIDV luôn “dẫn đầu” về tổng nợ xấu so với các nhà băng khác, do đó, nhà băng này đã bắt đầu chủ động xử lý nợ nội bảng từ năm 2017 và ghi nhận tổng cộng 43 nghìn tỷ đồng (không tính VAMC) trong giai đoạn 2017-2019.
|
Kết thúc phiên giao dịch 04/09/2020, giá cổ phiếu BID dừng ở mức 42,100 đồng/cp, giảm gần 9% so với đầu năm 2020, giảm 3% trong 3 tháng trở lại đây. Nguồn: finance.tvsi.com.vn |