Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, hiện tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 3/4 lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có sự tăng trưởng, riêng tín dụng BOT/BT giảm 1,65%.
Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN vẫn đang trong quy trình kiểm soát chặt chẽ về rủi ro. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng của ngành này vẫn quanh ngưỡng tăng trưởng chung toàn ngành, cuối tháng 4 ở mức 4,83% và dự báo sang tháng 6 sẽ ở mức 5,5%.
Đại diện của NHNN cho rằng mức tăng trưởng bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thị trường bất động sản đã có chiều hướng ổn định, giá đất nền cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, NHNN đánh giá rủi ro vẫn còn tiềm ẩn đối với việc cho vay đầu tư vào nhà đất. Do đó cơ quan quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay vốn đối với lĩnh vực này.
|
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại cuộc họp |
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cơ quan quản lý tiền tệ đã có chỉ đạo nóng dành cho những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn, tỷ lệ cao đột biến trong thời gian vừa qua.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng giảm tốc rõ rệt. Năm 2018 tăng khoảng 26,76%, số này đã giảm dần trong các năm sau đó là 21% trong năm 2019 và 11,89% năm 2020.
Nguyên nhân chính khiến tín dụng vào bất động sản năm vừa qua tăng chậm bởi sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 nên các hoạt động đầu tư giảm mạnh, thậm chí mức tăng kể trên còn đã thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm.
Về lĩnh vực chứng khoán, NHNN cho biết dư nợ dự kiến đến hết tháng 6 của ngành sẽ đạt 46.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 400 - 500 tỷ đồng so với 2 tháng trước. Chiếm khoảng 0,48% dư nợ tổng của nền kinh tế.
NHNN giải thích, lý do khiến tăng trưởng tín dụng chứng khoán đến hết tháng 6 dự kiến không khác biệt nhiều so với tháng 4 - 5 là bởi thị trường chung tăng lên khiến tỷ trọng cho vay của lĩnh vực này này vẫn ở mức thấp so với tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, chứng khoán là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, đặc biệt thời gian qua xảy ra nhiều biến động và biến cố liên quan đến kỹ thuật nên trong thời gian sắp tới sẽ cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư.
NHNN cũng sẽ nâng mức độ giám sát và kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, người vay, mục đích vay…
Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam