Theo phân tích của các chuyên gia, các ngân hàng đạt được mức siêu lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như vậy là nhờ phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của họ trước những thách thức bất ngờ của thị trường.
Kết quả khả quan, bất chấp dịch bệnh
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo ước tính lợi nhuận quý I/2020 của 26 doanh nghiệp trong đó đề cập các ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng Vietcombank được dự báo lợi nhuận trước thuế quý I đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 3% nhờ tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng đáng kể trong quý này để chuẩn bị tốt cho việc nợ xấu tăng trong các quý tới.
Ngân hàng VIB được ước tính đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mức tăng 30% so với cùng kỳ.
|
Bất chấp dịch bệnh, nguồn lợi nhuận trước thuế của VP Bank nửa đầu năm nay lên tới trên 6.000 tỷ đồng. |
Cũng theo SSI, ngân hàng TPBank được dự báo lợi nhuận trước thuế quý I khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 9% và 6% so với đầu năm.
Với Ngân hàng Á Châu, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn hệ thống là 1,1% so với đầu năm.
Ngân hàng HDBank được tổ chức này dự báo tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ và HDSaison trong quý I đạt khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do bị tác động đáng kể từ dịch Covid-19, ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng khiêm tốn trong quý I.
VietinBank được SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế khoảng 3.100 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ, dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt giảm 1,2% và 1,5% so với đầu năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gần đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với lợi nhuận trước thuế cực kỳ ấn tượng: 3.673 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cao hơn tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 6.584 tỷ đồng, tăng tới 52% so với nửa đầu năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng này ở ngân hàng riêng lẻ đạt tới 12,7%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm tới nay.
Theo VPBank, điểm nhấn mang lại kết quả tốt về doanh thu và hoạt động cho vay là phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của ngân hàng trước những thách thức bất ngờ của thị trường.
Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong tháng 2/2020, VPBank đã đưa ra những kịch bản kinh doanh mới nhằm tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của doanh thu. Kết thúc 6 tháng đầu năm, khoản thu nhập này tại ngân hàng hợp nhất đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Song song với việc đẩy mạnh thu hồi nợ là các giải pháp quyết liệt đã được thực hiện để kiểm soát rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế đang bất ổn.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống mức 2,71%, từ mức 2,95% cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống còn 2,07%.
Đề xuất giảm giá cước tin nhắn dịch vụ
Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 168/HHNH-PLNV gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi Hiệp hội gửi văn bản số 87/HHNH-PLNV ngày 9/4/2020 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn (SMS) đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Ngày 20/4/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xem xét và báo cáo việc thực hiện giảm phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng trước ngày 27/4/2020 nhưng các doanh nghiệp chỉ báo cáo: “Chưa thực hiện giảm phí”.
Tiếp đến ngày 14/5/2020, Cục Viễn thông đã tổ chức họp giữa các doanh nghiệp viễn thông di động và một số ngân hàng thương mại bàn về các nội dung có liên quan đến việc giảm phí SMS cho các ngân hàng thương mại.
Cục Viễn thông cũng đã có ý kiến yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cân đối, xem xét lại giá cước tin nhắn SMS hiện có giá thành thấp (<200đ/tin nhắn) và theo Vietnammobile chi phí (giá cước) khoảng 300-500đ/tin nhắn là hợp lý.
Do đó, nhiều ý kiến của ngân hàng, Cục Viễn thông và Hiệp hội Ngân hàng đề nghị: “Nếu các doanh nghiệp viễn thông không giảm được 50% phí (cước) tin nhắn thì có thể giảm về mức phí tương đương của Vietnammobile”.
“Kết luận cuộc họp, lãnh đạo Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện giảm giá tin nhắn và ngày 18/5/2020 có báo cáo đề xuất gửi về Cục Viễn thông. Song đến nay, Hiệp hội Ngân hàng chưa nhận được thông tin về việc thực hiện giảm giá cước của các doanh nghiệp viễn thông cho các ngân hàng”, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Được biết, đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 3 tháng, Hiệp hội có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giảm cước tin nhắn.
Theo Thanh Hà/Tài Chính Doanh Nghiệp