Thời gian gần đây, ngân hàng Agribank liên tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua đấu giá và bán tài sản thế chấp có giá trị từ 20 đến hơn 160 tỷ đồng. Thậm chí, Agribank còn đại hạ giá khoản nợ nhằm thanh lý dứt điểm, thu về nợ gốc nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Điển hình, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ nợ của Nông trường Sông Hậu thành phố Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu). Tạm tính đến 30/3/2021, tổng dư nợ của Nông trường Sông Hậu là 348,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 96,8 tỷ và nợ lãi là hơn 252 tỷ đồng. Ngân hàng lưu ý tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 30/3/2021 đến khi Nông Trường Sông Hậu thanh toán hết nợ gốc tiền vay.
Từ cuối tháng 4/2022, ngân hàng Agribank đã nhiều lần đưa khoản nợ này ra đấu giá nhưng không thành công. Giá khởi điểm của khoản nợ hạ từ 348,8 tỷ đồng trong lần đầu tiên, xuống 228,9 tỷ trong các lần tiếp theo. Trong lần đấu giá này, mức khởi điểm giảm xuống 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa Agribank chi nhánh TP Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu. Tài sản đảm bảo cũng gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Cần Thơ cấp ngày 24/3/1999 và quyết định số 710 về việc giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Nông Trường Sông Hậu.
Ngoài khoản nợ trên, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu quốc tế Thái Dương và khoản vay của Công ty TNHH thương mại dịch vụ V.LIFE. Agribank không có công bố thông tin về tổng dư nợ mà hai doanh nghiệp này đang có, tuy nhiên mức giá đấu nhà băng đưa ra cho cho tài sản đảm của hai doanh nghiệp này là 166 tỷ đồng, đặt cọc tham gia đấu giá là 10% với bước giá 100 triệu đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tọa lạc tại 309 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh. Tài sản gồm hơn 3.000 m2 diện tích đất ở đô thị, trong đó có hơn 96 m2 là nhà ở, Agribank cho biết tại thời điểm đấu giá căn nhà đã xuống cấp và không còn nguyên hiện trạng như mô tả.
Tương tự, ngân hàng Agribank cũng đang thông báo đấu giá một tài sản khác tại huyện Hóc Môn với giá hơn 72 tỷ đồng. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên 1.941 m2 đất tọa lạc tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Agribank cho biết đây là loại nhà ở riêng lẻ, tổng diện tích sử dụng và diện tích xây dựng là 127,6 m2. Agribank không thông báo cụ thể về chủ của khoản nợ trên.
Ngoài ra, ngân hàng Agribank cũng đấu giá một tài sản khác tại quận 3, TP.HCM với giá khởi điểm 56 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty TNHH thương mại đầu tư xuất nhập khẩu Phú Khánh. Tài sản đấu giá có địa chỉ tại số 4A đường Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3, tổng diện tích 282 m2, diện tích xây dựng 128,4 m2.
Trước đó, giữa tháng 5/2022, ngân hàng Agribank đã rao bán bốn bất động sản tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (quận 9 cũ) với giá khởi điểm 80,1 tỷ đồng. Bốn tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất thửa đất số 1132 (473 m2), 1133 (468 m2), 1134 (484 m2) và 1135 (368 m2).
Ngân hàng Agribank cũng thông báo bán đấu giá hai thửa đất khác là thửa 505 và 503 tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (quận 9 cũ) với giá khởi điểm 68,4 tỷ đồng. Thửa đất 505 và 503 đều có diện tích tích hơn 1.000 m2.
Ngoài ra, ngân hàng cũng rao bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 206 Đinh Tiên Hoàng, phường ĐaKao, quận 1 với mức giá khởi điểm 45,7 tỷ đồng. Theo Agribank, tài sản đảm bảo tại địa chỉ nêu trên là công trình nhà ở có diện tích hơn 160 m2, hiện trạng tài sản đang là công trình xây dựng đã bị gỡ bỏ.
Nợ xấu tại ngân hàng Agribank cao nhất hệ thống
Trong năm 2021, ngân hàng đã trích lập hơn 22.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 17,7% so với năm 2020, nâng nguồn dự phòng lên hơn 34.000 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã tăng lên 138,6%, cao hơn so với mức 110% trong năm 2020.
Động thái tăng dự phòng nợ xấu tại Agribank thực sự cần thiết trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây được xem là bộ đệm để ngân hàng ứng phó với các cú sốc tốt hơn trong tương lai. Bởi tính đến 31/12/2021, nợ xấu của Agribank ghi nhận hơn 24.553 tỷ đồng - cao nhất hệ thống ngân hàng, tăng đến 14% so với năm 2021. Trong đó, các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 14% so với đầu năm, lên mức 3.141 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đến 39% lên mức hơn 3.379 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 10% lên đến 18.033 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,78% lên 1,87%.
Với khối nợ xấu đồ sộ này, nếu so với các nhà băng khác về tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể thấy, Agribank vẫn đang ở mức khá thấp so với nhiều ngân hàng khác.
Agribank là ngân hàng cho vay khách hàng đứng thứ 2 toàn ngành (đạt 1,314 triệu tỷ đồng), Agribank cũng đang đổ mạnh vốn vào bất động sản.
Theo báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2021, tính đến 31/12/2021 dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng đạt 96.114 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước và chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng.
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp Agribank đạt tới 2,327 triệu tỷ, tăng thêm hơn 262.000 tỷ đồng, tương đương 13% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại Agribank hiện cao hơn 77% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.
Trong đó, tài sản thế chấp là bất động sản đạt mức hơn 2,018 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, chiếm đến 87% tổng giá trị tài sản thế chấp.