Cùng với đà tăng lợi nhuận ấn tượng suốt những năm qua (giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 40%/năm) và tiếp tục tăng mạnh 51% trong 9 tháng năm 2019, giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng phi mã.
Tính từ đầu năm đến nay, thị giá VCB đã tăng tới trên 70%, đạt mức đỉnh 92.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 5/11.
Đa số các lý thuyết đầu tư cơ bản cho rằng, sự tăng giá của một cổ phiếu có liên hệ mật thiết với mức tăng lợi nhuận trong quá khứ và đặc biệt là kỳ vọng của thị trường vào mức tăng lợi nhuận trong tương lai.
Việc cổ phiếu VCB tăng phi mã trong thời gian qua, một mặt "trả" thị giá VCB về mức xứng đáng với mức tăng trưởng lợi nhuận trong quá khứ cũng như vị thế của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành ngân hàng về lợi nhuận, song cũng phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong nhiều năm tới.
Trên thực tế, bóc tách các mảng kinh doanh cũng như trích lập dự phòng, có thể thấy Vietcombank vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao hơn so với trung bình ngành cũng như đối thủ là các ngân hàng lớn.
Như đã đề cập trong bài viết Triển vọng lợi nhuận Vietcombank và 'của để dành' ở mảng tín dụng, riêng ở mảng tín dụng, Vietcombank đang có hai dư địa lớn để tăng trưởng lợi nhuận.
Thứ nhất là ngân hàng này còn nhiều dư địa trong việc cải thiện hiệu suất sinh lời ở mảng tín dụng thông qua việc thay đổi cấu trúc cho vay sang các khoản cho vay có biên lợi nhuận cao hơn, nhất là cho vay cá nhân.
Ngoài ra, việc cải thiện hiệu quả hoạt động chung, tăng dần KPI đối với cán bộ nhân viên cũng giúp hiệu suất sinh lời mảng tín dụng tăng lên.
Thứ hai, Vietcombank là một trong những ngân hàng còn nhiều dư địa LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) nhất hệ thống ngân hàng.
|
Vietcombank có nhiều dư địa tăng trưởng đặc thù |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ LDR ở nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước lên đến trên 92%; trong khi con số này ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân là trên 84%. Trong khi đó, LDR của Vietcombank chỉ ở mức khoảng 80%, thấp hơn nhiều mặt bằng chung và thấp hơn hẳn các ngân hàng gốc quốc doanh khác như VietinBank, BIDV.
LDR càng thấp thì khoảng cách giữa dư nợ tín dụng và vốn huy động càng lớn, dư địa tăng trưởng lợi nhuận bằng cách dãn rộng doanh thu - chi phí vốn càng nhiều.
Bên cạnh dư địa ở lĩnh vực tín dụng, lĩnh vực dịch vụ cũng đang hứa hẹn đem về cho Vietcombank mức lợi nhuận khổng lồ.
Gần đây, Vietcombank đã công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về việc phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).
Động thái này được cho là để chuẩn bị cho hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) giữa Vietcombank và FWD Group. Theo nguồn tin từ Bloomberg, FWD Group sẽ trả trước khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank theo thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền.
Điều này đồng nghĩa, nhiều khả năng sẽ có khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng được hạch toán vào doanh thu dịch vụ của Vietcombank, phân bổ trong một vài năm tới. Cũng cần lưu ý rằng đây mới chỉ là khoản trả trước, nghĩa là triển vọng lợi nhuận từ mảng bảo hiểm còn lớn hơn nữa.
Cùng với dư địa ở các mảng tín dụng và dịch vụ, dư địa tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank còn đến từ dự phòng rủi ro.
Thống kê cho thấy, Vietcombank là ngân hàng đứng đầu và vượt trội về tỷ lệ bao phủ nợ xấu so với các ngân hàng còn lại. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đến hết tháng 9/2019 lên đến khoảng 180%.
|
Hợp đồng bancassurance dự kiến đem về cho Vietcombank nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng |
Cụ thể hơn, ngân hàng này đã dành hơn 14.100 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho hơn 7.600 tỷ đồng nợ xấu. Nếu tính cả nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý), tổng nợ không đạt chuẩn của Vietcombank ở mức trên 11.800 tỷ đồng, vẫn thấp hơn nhiều số dư dự phòng rủi ro.
Hay nói nôm na, Vietcombank đang "trích lập thừa" dự phòng rủi ro và điều này hàm ý rằng, ngân hàng còn nhiều dư địa để hoàn nhập dự phòng nợ nội bảng.
Nhưng chưa hết, Vietcombank nhiều khả năng còn không ít dư địa để hoàn nhập dự phòng cả nợ ngoại bảng.
Hàng năm, các ngân hàng, trong đó có Vietcombank vẫn miệt mài dùng dự phòng để xóa nợ xấu, đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, gọi là nợ ngoại bảng. Trong nhiều trường hợp, các khoản nợ ngoại bảng này vẫn sinh lời, thậm chí xét về chất lượng tín dụng vẫn không phải quá xấu, vẫn có thể thu hồi lượng lớn lượng tiền đã cho vay.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn buộc phải dùng dự phòng đưa ra ngoại bảng để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.
Số liệu năm 2018 cho thấy, thu nhập từ các khoản cho vay đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank lên đến trên 3.200 tỷ đồng. Con số này bằng tới 11,5% tổng thu nhập lãi thuần mảng tín dụng.
Thu nhập lớn từ các khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng cho thấy chất lượng nợ ngoại bảng của Vietcombank không ở mức quá xấu, hàm ý tiềm năng hoàn nhập nợ ngoại bảng lớn, kéo theo triển vọng hoàn nhập dự phòng, giúp tăng lợi nhuận.
Với những dư địa đặc thù trên, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành cũng như cao hơn những đối thủ lớn của Vietombank đang rất sáng.
Theo Minh Tâm/Vietnamfinance
Link gốc: https://vietnamfinance.vn/boc-tach-du-dia-tang-truong-loi-nhuan-cua-vietcombank-20180504224231041.htm