Vốn chủ sở hữu của BIDV gấp 1,7 lần Vietinbank
Tổng tài sản của BIDV và Vietinbank tại 30/9/2019 lần lượt là 1.425.398 tỷ đồng và 1.202.209 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu lần lượt là 59.377 tỷ đồng và 46.724 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của BIDV gấp 1,18 lần so với Vietinbank.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm hiện tại của BIDV gấp 1,27 lần Vietinbank. Tuy nhiên, sau khi KEB Hana Bank hoàn tất thương vụ mua 603,3 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ của BIDV, quy mô vốn chủ sở hữu của BIDV sẽ tăng lên 79,672 tỷ đồng (ước tính theo giá cổ phiếu của BIDV tại thời điểm hiện tại) và gấp 1,7 lần Vietinbank.
|
Hiệu quả kinh doanh sáng sủa, lợi nhuận cao nhưng Vietinbank vẫn "om" cổ tức |
Tại ngày 30/9/2019, hệ thống của Vietinbank có 149 chi nhánh trên toàn quốc, 7 công ty thành viên, 3 đơn vị sự nghiệp, 3 chi nhánh tại nước ngoài với tổng số lượng cán bộ công nhân viên là khoảng 11.380 người. BIDV có 189 chi nhánh trong nước, 01 chi nhánh nước ngoài, 11 công ty con với tổng số cán bộ công nhân viên là 25.745 người.
Có thể thấy quy mô về vốn lẫn tổng tài sản cũng như hệ thống của BIDV đều vượt trội so với Vietinbank mặc dù cả 2 ngân hàng đều có cổ đông chi phối là nhà nước.
Không chia cổ tức dù lợi nhuận tăng cao
Nhìn trên góc độ hiệu quả kinh doanh, Vietinbank lại hoàn toàn lấn lướt BIDV trong 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 của Vietinbank và BIDV lần lượt là 6.825 tỷ đồng và 5.496 tỷ đồng. ROE và ROA của Vietinbank 9 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 0,56% và 14,6%; BIDV lần lượt là 0,39% và 9,26%.
Xét tới các phương án tăng vốn thì hiện nay nhà nước đang nắm giữ 64% cổ phần Vietinbank và không thể tiếp tục phát hành riêng lẻ như BIDV và Vietcombank theo Quyết định số 58/2018/QĐ-TTg. Bên cạnh đó Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại cho kế hoạch trung hạn nên tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu là bất khả thi.
Do vậy, việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn lại là phương án khả thi nhất và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện tại khi tăng trưởng tín dụng của Vietinbank bị hạn chế, điều này làm ảnh hưởng tới lợi nhuận cũng như định hướng phát triển sau này bởi việc vốn điều lệ không thể tăng trong nhiều năm qua.
Nhằm thực hiện kế hoạch bổ sung nguồn vốn tự có và đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng trong tương lai, Vietinbank đã có các văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cho phép không chia cổ tức.
Đồng thời, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên việc này hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Tài chính Doanh nghiệp