Agribank ước lãi nửa năm khoảng 5.000 tỷ đồng và đạt trên 40% kế hoạch

DTVN 16:59 23/08/2020

Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết ngân hàng ước lãi nửa đầu năm đạt trên 40% kế hoạch và thấp hơn 35-40% so với cùng kỳ, tức trên 4.800 tỷ đồng

Agribank hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng tăng trưởng tín dụng âm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V giai đoạn 2015 – 2019 và tổng kết 10 năm phong trào thi đua "giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010 – 2020. Trong hội nghị, ban lãnh đạo đã chia sẻ về kết quả kinh doanh tính đến tháng 6 của ngân hàng.

Tính đến tháng 6/2020, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,46 triệu tỉ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2019. Nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỉ đồng. Trong đó, cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ so với con số 1,15 triệu tỉ đồng của cuối năm 2019.

Vốn tín dụng Agribank chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.

Đáng chú ý, trong hội nghị, ban lãnh đạo Agribank không đề cập tới con số lợi nhuận trong nửa đầu năm. Trước đó, theo báo cáo thường niên 2019, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt tối thiểu 12.200 tỉ đồng. Trong đó, thu dịch vụ mục tiêu tăng từ 16% đến 18%.

Đến cuối năm 2020, Agribank dự kiến tổng tài sản tăng tối thiểu 8%, tương ứng đạt 1,569 triệu tỉ đồng. Vốn huy động từ thị trường I (không bao gồm nguồn vốn Kho bạc Nhà nước) tăng từ 8,5% đến 11%, có điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng dư nợ.

Dư nợ cho vay nền kinh tế dự kiến tăng 8,5% - 11%, được điều chỉnh theo nghị quyết của Hội đồng Thành viên và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong đó, tỉ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn dao động từ 65% đến 70%.

Trong năm 2020, ngân hàng cũng lên kế hoạch kiểm soát tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 ở mức tối đa 3% với mục tiêu thu nợ sau xử lí đạt tối thiểu 12.000 tỉ đồng.

Trong tháng 6, các cơ quan quản lí đã trình Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với Quốc hội. Vốn điều lệ của ngân hàng hiện là 30.591 tỉ đồng, nếu tính theo chuẩn Basel II, tại thời điểm 31/3, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank chỉ đạt 6,9%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu 8% theo qui định

NHNN nhận định nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.

Về hoạt động cổ phần hóa, Agribank cho biết ngân hàng đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết từ năm 2017. Đến nay, các công việc triển khai cổ phần hóa đang được khẩn trương hoàn thiện, phương án sắp xếp, xử lí nhà đất còn lại tại địa bàn TP HCM đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Theo phó tổng giám đốc Agribank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp hơn nhiều cùng kỳ do ảnh hưởng của Covid-19. Xác định 6 tháng cuối năm là giai đoạn "nước rút" để Agribank thực hiện các mục tiêu kinh doanh của cả năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng nửa cuối năm còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô, nợ xấu phát sinh do Covid-19 dẫn đến tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Nửa đầu năm, Agribank cho biết đã cơ cấu lại đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi theo Thông tư 01 với tổng dư nợ hơn 43.000 tỷ đồng và triển khai chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% - 2,5% một năm so với mức thông thường.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng đứng trước nguy cơ nợ xấu tăng mạnh nên phải tăng cường trích lập dự phòng. Các biện pháp cơ cấu nợ giảm lãi cũng ảnh hưởng tới lãi dự thu nên nhiều ngân hàng cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm đi ngang và thấp hơn so với cùng kỳ.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có thể làm phát sinh nợ xấu

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến 29/5, tín dụng tăng 1,96% do nhu cầu vay của người dân thấp. Mức tăng này đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5 nhưng thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 14%, tương đương 2019.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN, cho rằng việc tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. “Đây là tình hình chung, cũng lo nhưng phải chịu”, ông Hùng nói. Vụ trưởng Tín dụng nhận định không thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vì dễ phát sinh nợ xấu, do đó, không thể hạ chuẩn cho vay.

"Không thể bắt một bệnh nhân đang ốm phải khỏe ngay được", lãnh đạo Vụ Tín dụng nói. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam tốt hơn một chút so với thế giới nhưng trong tình hình chung hiện nay không thể tăng trưởng nhanh.

Chuyên gia cho rằng như vậy là hợp lý vì tiền đó là của TCTD, không phải tiền của ngân sách hoặc tiền cho không. Giải ngân tín dụng cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến kinh tế trong tương lai.Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định trong bối cảnh dịch bệnh và nhu cầu về vốn còn yếu thì những con số trong các tháng đầu năm là chấp nhận được. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn mong muốn tiếp cận dễ hơn nhanh hơn, gọn hơn, ta phải xem xét nguyên nhân có thể đến từ hai phía. Ví dụ, tại các TCTD quy trình thủ tục tương đối phức tạp, đặc biệt phải yêu cầu có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Agribank ước lãi nửa năm khoảng 5.000 tỷ đồng và đạt trên 40% kế hoạch tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất