Giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên
Tính đến 31/8/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank và chiếm trên 50% thị phần trong nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Agribank tiên phong, chủ lực, ưu tiên triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững).
Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước. Qua đó khẳng định vai trò tích cực của Agribank cùng ngành Ngân hàng trong việc góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động đầu tư chính vào lĩnh vực vốn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sản xuất còn tình trạng manh mún, ngoài việc tiếp tục ưu tiên cân đối vốn để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, từ đầu năm 2019, Agribank đã cho vay hỗ trợ thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân với doanh số hơn 7.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn gần 20.000 tỷ đồng (chiếm 40% doanh số cho vay của toàn ngành NH đối với từng chương trình), đồng hành cùng người nông dân trồng hồ tiêu… qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và ngành nông nghiệp nói chung.
Với mục đích hỗ trợ khách hàng, đưa tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, từ đầu năm 2019 đến nay, Agribank đã chủ động 2 lần giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Chính phủ (nông nghiệp, nông thôn; phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ).
Mức lãi suất cho vay của Agribank đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang ở mức thấp nhất thị trường (5,5%/năm), giảm 1% so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (6,5%).
|
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Agribank. |
Để chuyển tải vốn kịp thời đến mọi đối tượng khách hàng, nhất là người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank triển khai tích cực, hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng, phát triển cho vay thông qua trên 61.000 tổ nhóm vay vốn trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tại địa phương.
Góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô tối thiểu 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình, nhằm đáp ứng các mục đích tiêu dùng trong thời gian ngắn hạn, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay... Agribank áp dụng phương thức cho vay và giải ngân linh hoạt, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân trong ngày.
Tính đến nay, doanh số giải ngân chương trình này đạt trên 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agribank chú trọng phát triển, cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong giao dịch, thanh toán.
Tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”
Theo Agribank, mới đây, Nghị quyết số 69/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng, trong đó bên cạnh việc tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Điều hành tỷ giá phù hợp, một nhiệm vụ quan trọng đó là tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…
|
Gia đình anh Trần Đức Trinh, thôn Ngãi Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phát triển chăn nuôi, |
Agribank tiếp tục thực hiện chính sách cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ; duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng về quy mô phù hợp với cân đối vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng.
Không chỉ phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư vốn, SPDV cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank chỉ đạo các chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục tích cực, chủ động tham gia các chương trình chính sách đặc thù tại mỗi địa phương nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Agribank xác định luôn đặt khách hàng là trung tâm, tối đa hóa các nguồn lực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phong cách giao dịch để hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất, qua đó đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo về cung ứng tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, đảm bảo tiến trình cổ phần hóa diễn ra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.