Theo thông tin từ baochinhphu, số lượng cổ phần thoái vốn là 4.075.000 cổ phần (40,75 tỷ đồng theo mệnh giá), tương đương 25% vốn điều lệ của EVN tại EVNTBW với mức giá khởi điểm 17.940 đồng/cổ phần.
CTCP Phong điện Thuận Bình (EVNTBW) được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 240 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các dự án điện gió tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Vốn điều lệ hiện nay của EVNTBW là 240 tỷ đồng, công ty chưa tăng vốn điều lệ lần nào.
|
CTCP Phong điện Thuận Bình (EVNTBW) được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 240 tỷ đồng. |
Cổ đông nắm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên gồm:
1. EVN sở hữu 25%
2. Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh sở hữu 25% vốn điều lệ
3. Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi 20%
4. Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ 20%
5. Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 3 nắm giữ 10% vốn điều lệ.
Hiện tại EVNTBW quản lý và sử dụng 1 khu đất có tổng diện tích 70.000,5 m2 tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Khu đất này được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và được trả tiền một lần.
Sản phẩm dịch vụ chủ yếu của EVNTBW là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ tiến bán điện của nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn I). Dự án nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn 1) hoạt động từ tháng 9/2016 với công suất 24MW.
Ngoài ra công ty đang nghiên cứu và triển khai một số dự án điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên 1000 MW. Trong đó, công suất lắp điện gió khoảng 510MW và mặt trời khoảng 570MW.
EVN sẽ hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019
Theo thoibaotaichinhvietnam, EVN cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã hoàn thành thoái vốn tại 100% các doanh nghiệp không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của EVN. Qua đó, thu về hơn 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, EVN cũng đã hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/10/2018. Ngay sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.
Tập đoàn cũng thực hiện thoái, giảm vốn tại 2 doanh nghiệp trong tổng số 6 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, EVN sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại, với mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019.