Cổ phiếu giảm tụt đáy, NĐT choáng váng
Landmark Holding (Mã CK: LMH) được thành lập ngày 24/5/2015, tiền thân là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực hóa dầu, nhưng chỉ sau hơn một năm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và thâu tóm hàng loạt các dự án lớn từ Bắc đến Nam, Landmark Holding này nhanh chóng đánh dấu tên tuổi trong thị trường bất động sản.
Vừa qua, Cổ phiếu LMH đã gây choáng váng đối với các nhà đầu tư khi giảm sàn kéo dài đến 25 phiên vừa qua, khiến giá cổ phiếu này đang từ vùng giá 12.200 đồng/cổ phiếu xuống còn xấp xỉ 2.000 đồng/cổ phiếu - mức đáy lịch sử của cổ phiếu này từ khi lên sàn niêm yết.
Phiên giảm sàn thứ 25 của cổ phiếu LMH vào ngày 5/2/2020, cũng là phiên một số lãnh đạo của công ty bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LMH. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT LMH Lương Quang Vinh bị bán giải chấp 100.000 cổ phiếu, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 1,28 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Còn CEO Trương Hoàng Vũ bị bán giải chấp 248.200 cổ phiếu, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn 172.401 cổ phiếu.
Giảm sàn kịch liệt là do nhà đầu tư lo ngại tiềm ẩn rủi ro làm giá
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sở dĩ cổ phiếu LMH giảm sàn liên tục trong hơn 20 phiên giao dịch vừa qua là do các công ty chứng khoán đồng loạt bán ra cổ phiếu này, khiến cổ phiếu này mất thanh khoản. Nguyên nhân sâu xa khiến các công ty chứng khoán có động thái như vậy là do họ lo ngại LMH tiềm ẩn rủi ro giống như trước đó FTM đã từng gặp. Trước đó, cổ phiếu FTM giảm sàn 26 phiên, bị nghi có hiện tượng làm giá.
|
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến cổ phiếu LMH giảm giá do phần lớn lợi nhuận của LMH đến từ mảng chuyển nhượng dự án bất động sản. Tuy nhiên trong năm 2019, việc chuyển nhượng dự án của LMH không thuận lợi, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này lỗ ròng lên đến hơn 4 tỷ đồng trong quý 4.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay của LMH là dòng vốn để giải quyết các khoản nợ vay do thiếu hụt dòng tiền từ chuyển nhượng các dự án.
Cổ phiếu LMH sẽ phục hồi ?
Mở rộng kinh doanh đa ngành, nhưng không có hoạt động kinh doanh nào nổi trội khiến Landmark Holding đối mặt với nhiều rủi ro và khó hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mới đây, Landmark Holding đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0% lên 100% vốn điều lệ và danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong đợt chào bán riêng lẻ.
Để thu hút thêm nguồn lực, tạo tính thanh khoản đối với cổ phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh, HĐQT trình cổ đông loại bỏ, điều chỉnh ngành nghề kinh doanh bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) để nâng tỷ lệ này từ 0% lên 100% vốn điều lệ.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VBCS, với tình trạng nợ cao, kinh doanh đa ngành, dù Landmark có nới room ngoại cũng rất khó để huy động vốn ngoại, bởi nhiều doanh nghiệp cũng đã từng thực hiện chiêu bài này, nhưng không thành công trong thời gian qua.
Trong một số phiên gần đây, giá cổ phiếu LHM đã có xu hướng phục hồi nhẹ, nhưng vẫn ở mức thấp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, giá cổ phiếu LMH tăng 6,8% đóng cửa ở mức 2.500 đồng/cp.
|
Tuy nhiên, ông Minh khuyến nghị: "Nhà đầu tư tốt nhất không nên tham gia bắt đáy cổ phiếu LMH. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nào chấp nhận rủi ro cao, thì vẫn có thể tham gia bắt đáy cổ phiếu này, nhưng chỉ với tỷ trọng nhỏ".
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, xu hướng phục hồi của LMH có bền vững hay không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp này là chuyển nhượng dự án bất động sản. Bởi LMH hiện đang sở hữu những dự án thật có thể chuyển nhượng.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ