Vì sao cần có cơ quan quản lý và giám sát hoạt động TTCK?
Lịch sử hình thành và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đã cho thấy, đầu tiên TTCK hình thành một cách tự phát khi có sự xuất hiện của cổ phiếu, trái phiếu và hầu như chưa có sự quản lý.
Nhưng nhận thấy cần có sự bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư và đảm bảo sự hoạt động của thị trường được thông suốt, ổn định và an toàn, bản thân các nhà kinh doanh chứng khoán và các quốc gia có TTCK hoạt động cho rằng cần phải có cơ quan quản lý và giám sát về hoạt động phát hành và kinh doanh chứng khoán. Chính vì vậy, cơ quan quản lý và giám sát TTCK đã ra đời.
|
Cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK có thể có những tên gọi khác nhau, tuỳ thuộc từng nước và nó được thành lập để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán. |
Cơ quan quản lý và giám sát TTCK được hình thành dưới nhiều mô hình tổ chức hoạt động khác nhau, có nước do các tổ chức tự quản thành lập, có nước cơ quan này trực thuộc Chính phủ, nhưng có nước lại có sự kết hợp quản lý giữa các tổ chức tự quản và Nhà nước. Nhưng tựu chung lại, cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK do Chính phủ của các nước thành lập với mục đích bảo vệ lợi ích của người đầu tư và bảo đảm cho TTCK hoạt động lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững.
Cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK có thể có những tên gọi khác nhau, tuỳ thuộc từng nước và nó được thành lập để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán.
Từ những kinh nghiệm học tập được ở những nước có TTCK phát triển, với sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, Việt Nam đã thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK trước khi ra đời TTCK Việt Nam, đó là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thành lập theo Nghị định số 75 CP ngày 28/11/1996 của Chính phủ. Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với TTCK ở Việt Nam.
Công tác quản lý TTCK tại Việt Nam
Trên cơ sở phân cấp của Bộ Tài chính, hệ thống giám sát TTCK tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình giám sát hai cấp phổ biến trên thế giới.
Theo đó, UBCKNN và các SGDCK tạo nên bộ máy vận hành hệ thống giám sát thị trường với sự phân cấp như sau:
Cấp giám sát thứ nhất: Thông qua tổ chức trung gian, như: SGDCK, Trung tâm lưu ký chứng khoán, trong phạm vi hoạt động nghiệp vụ của mình trên cơ sở quy chế thành viên, quy chế niêm yết, quy chế giao dịch, quy chế công bố thông tin, đăng ký, lưu ký, dữ liệu và báo cáo để phát hiện các vi phạm, giúp UBCKNN thực hiện theo dõi, kiểm tra và xử lý. Các SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán phải xây dựng cơ sở dữ liệu, các tiêu chí cảnh báo và giám sát cùng với chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất.
Cấp giám sát thứ hai: UBCKNN giám sát sự tuân thủ của mọi thành viên thị trường đối với Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật. Nhiệm vụ giám sát của UBCKNN hiện được thực hiện bởi Vụ Quản lý kinh doanh; Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán; Vụ Quản lý phát hành; Vụ Giám sát TTCK.
Việc tổ chức giám sát trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK của cơ quan quản lý nhà nước bao gồm các hoạt động như sau:
- Giám sát tuân thủ: Được thực hiện trên cơ sở Thông tư số 193/2013/TT-BTC, ngày 16/12/2013 hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ. Theo đó, UBCKNN thực hiện việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ quy định pháp luật của các đối tượng quản lý bao gồm: Giám sát phát hành, công bố thông tin và quản trị công ty của công ty niêm yết và công ty đại chúng; Giám sát tuân thủ của các định chế trung gian thị trường và Giám sát tuân thủ của SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
- Giám sát giao dịch: Được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2013/TT-BTC, ngày 25/01/2013 về giám sát giao dịch chứng khoán.
Theo đó, hoạt động giám sát giao dịch trên TTCK được phân theo 02 tuyến: giám sát của UBCKNN và giám sát của SGDCK.
Theo Quyết định số 689/QĐ-UBCK, ngày 31/8/2012 của Chủ tịch UBCKNN về ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc UBCKNN với SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trong việc giám sát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên TTCK (Quyết định 689), thì việc giám sát được phân định rõ giữa 02 cấp UBCKNN và SGDCK.
Đối với các giao dịch tập trung trên SGDCK, SGDCK chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chí cảnh báo để sàng lọc và xác định các dấu hiệu vi phạm trong giao dịch chứng khoán dựa trên các tiêu chí về giá, khối lượng và phương thức đặt lệnh.
Còn UBCKNN thực hiện giám sát khi có tin đồn, thông tin từ website, tố cáo khiếu nại, trong trường hợp cần thiết sẽ lập các đoàn kiểm tra tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý theo thầm quyền.
- Giám sát rủi ro: là giám sát sức khỏe tài chính của các tổ chức trung gian thị trường, mà cụ thể ở đây là giám sát chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo Thông tư số 226/2010/TT-BTC, ngày 31/12/2010 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính và Thông tư số 165/2012/TT-BTC, ngày 09/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 226/2010/TT-BTC.
Có thể nói, đây là một nội dung mới tiếp cận thông lệ quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán để thực hiện giám sát rủi ro kể từ sau tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trên cơ sở nội dung quy định tại các thông tư, UBCKNN thực hiện giám sát, cảnh báo rủi ro đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán để phân hạng, xếp loại tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, đó là cơ sở để thực hiện tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.