Những điểm nhấn chứng khoán 2020

DTVN 18:55 13/01/2020

Với một nền kinh tế đang mở rộng trên nhiều mặt, có rất nhiều ngành đang trong xu thế tăng trưởng như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, logistics, cảng biển, hàng không, vật liệu xây dựng, dệt may,....

Những điểm nhấn vĩ mô

Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng GDP tốt nhất.

Như thông lệ, GDP thường tăng tốc vào giai đoạn cuối năm nhờ sự tăng tốc mạnh ở các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các ngành trụ cột có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; các ngành dịch vụ thị trường (vận tải, kho bãi tăng 9,1%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,8%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,6%.

Có một chút buồn khi ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 13% so với con số 20% của 10 năm trước, cho thấy ngành nông nghiệp ngày càng đóng góp ít hơn trong cấu thành GDP. Diện tích lúa gạo trong năm chỉ còn 7,47 triệu ha, giảm khoảng 1,5% so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất. Chỉ có ngành thủy sản duy trì mức tăng trung bình 5,5%.

Trong năm qua, có một dấu mốc quan trọng với nền kinh tế là việc Chính phủ tiến hành tính toán lại cấu thành GDP. Việc tính toán lại chỉ tiêu GDP làm thay đổi cơ cấu đóng góp của 3 khu vực kinh tế lớn. Tốc độ tăng không biến đổi nhiều, nhưng quy mô toàn bộ nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm trong giai đoạn 2010 - 2017. Tác động gián tiếp của việc tính lại GDP là thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư nhiều hơn. Dòng tiền dự báo sẽ gia tăng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, sản xuất công nghiệp.

Từ một quốc gia nhập siêu 5 năm trước, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu gần 10 tỷ USD trong năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ mức 127 tỷ USD năm 2009 đã tăng gấp 4 lần sau 10 năm, đạt 517 tỷ USD. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 60,7 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 75,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Thâm hụt thương mại trong năm so với Trung Quốc lên đến gần 34 tỷ USD.

Tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế trong nước hiện chiếm khoảng 31% so với 69% của khu vực vốn đầu tư nước ngoài, cho thấy hoạt động xuất khẩu trong nước vẫn đang dựa nhiều vào dòng vốn FDI.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng trọng tâm vào công nghiệp. Nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu, có thể thấy, hoạt động công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn mang nặng tính gia công và trong hàm lượng giá trị xuất khẩu có trên 70% là nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Ðể tăng hàm lượng nội địa hóa, sẽ cần một thời gian dài và nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ cho các doanh nghiệp hỗ trợ; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, chưa kể có nhiều quy định về việc chuyển giao công nghệ với đầu tư nước ngoài để nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới.

2020 là năm cuối nhiệm kỳ và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tận dụng cơ hội thu hút đầu tư FDI khi hoạt động đầu tư quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các quốc gia Ðông Nam Á.

Việt Nam vẫn có nhiều ưu thế thuận lợi hơn các quốc gia khác nhờ chính trị ổn định, chi phí thấp. CPI cuối năm 2019 dù biến động mạnh nhưng vẫn trong giới hạn, giá cả sẽ sớm bình ổn giá trở lại và chỉ số tăng giá có thể được kiểm soát trong giới hạn 2 - 3% trong năm 2020.

Nền kinh tế trong nước cần nhiều động lực tăng trưởng và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn sẽ nghiêng về chính sách nới lỏng tiền tệ.

Thị trường vốn sẽ mở rộng thêm và chứng khoán là kênh quan trọng để thu hút và phát triển nguồn vốn. Sẽ có những chính sách để thu hút dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán như nới room cho khối ngoại và mở đường niêm yết nhiều hơn các doanh nghiệp FDI. Hoạt động đầu tư công sẽ sôi động trở lại với nhiều dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. Hoạt động kinh tế tư nhân đang tạo ra 42% GDP và tiếp tục trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế.

Sẽ có nhiều tập đoàn công nghiệp lớn được hình thành để có thể đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Các định chế tài chính lớn cũng sẽ được ưu tiên phát triển mạnh để nằm trong Top những ngân hàng lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những ngành mũi nhọn sẽ được chú trọng đầu tư trong năm nay là logistics, trải rộng từ đầu tư cơ sở hạ tầng, cảng biển, hàng không. Sự thành bại trong kinh doanh sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp có khả năng tận dụng tối đa hoạt động logistics hay không. Một số tập đoàn lớn của Việt Nam đang đầu tư hệ thống logistics và cảng biển riêng như Hòa Phát, Thaco để tối đa hóa chi phí.

Làn sóng FDI chuyển dịch từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng và kéo theo ngành cảng biển, vận tải… Những doanh nghiệp đang phát triển cây công nghiệp như cao su đang có xu thế chuyển hướng đầu tư khu công nghiệp dẫn đến hoạt động khai thác cao su sẽ giảm sút.

Xu hướng đô thị hóa tiếp tục lan rộng cũng kéo theo hoạt động phát triển bất động sản. Sẽ có nhiều ngành đi theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế như đầu tư điện, nước, giáo dục, dạy nghề…

Ngành vận tải đường thủy, hàng không kéo theo các loại hình dịch vụ đi kèm cũng sẽ tăng trưởng theo. Vấn đề lựa chọn đầu tư xanh trong chính sách thu hút đầu tư cần được quan tâm nhiều hơn để tránh những sự cố môi trường như những năm trước.

Cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ đóng vai trò dẫn dắt

Với một nền kinh tế đang mở rộng trên nhiều mặt như vậy, hiển nhiên lĩnh vực chứng khoán sẽ dịch chuyển theo tương đồng với vĩ mô và có rất nhiều ngành đang trong xu thế tăng trưởng như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, logistics, cảng biển, hàng không, thép - vật liệu xây dựng, dệt may, viễn thông, điện nước…

Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp có sự cô đặc trong cơ cấu cổ đông khiến nhiều cổ phiếu trên sàn không thu hút nhà đầu tư, hoặc một số doanh nghiệp đầu ngành chưa lên sàn nên việc lựa chọn cổ phiếu sẽ có một chút khác biệt.

Tựu chung lại, hai nhóm ngành lớn trên sàn chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng và đóng vai trò dẫn dắt chính là ngân hàng và bán lẻ, thương mại.

Ðiểm qua ngành ngân hàng, có thể thấy, dù sự kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2020 có thể không bằng hai năm trước do đây là năm các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn và hoàn tất áp dụng Basel II, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn có sức hút riêng, đặc biệt là nhóm ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối như VCB, BID, CTG.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tìm giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và những cổ phiếu hết room có thể sử dụng giải pháp giữ lại cổ tức để bổ sung vào nguồn vốn.

Năm 2020 cũng là cao điểm hàng loạt ngân hàng thương mại đưa cổ phiếu lên niêm yết; trong đó, có những nhà băng nổi tiếng và có chất lượng hoạt động tốt như OCB, MSB… Vì vậy, so với các nhóm ngành khác, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn và an toàn hơn.

Ở nhóm ngành bán lẻ, thống kê mới nhất cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.940 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 đạt 3.751 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với năm trước.

Ðiểm thú vị ở thị trường bán lẻ Việt Nam là do diện tích thành thị hẹp, thời gian di chuyển nhanh nên cả hai loại hình bán lẻ online và truyền thống đều có thể chung sống hòa bình. Xu hướng phát triển kinh doanh theo chuỗi sẽ tiếp tục mở rộng với nhiều ngành hàng và nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và chỉ những chuỗi có nét riêng và đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dễ thành công hơn.

Trong những nhóm này, MWG, PNJ là những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh theo chuỗi. FRT mới thâm nhập và cần nhiều thời gian hơn phát triển các chuỗi mới rất tiềm năng là F-Beauty và nhà thuốc Long Châu.

Nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành công nghệ, thép, bất động sản, logistics cũng đáng chú ý. Mỗi doanh nghiệp có câu chuyện riêng, nhà đầu tư cần lựa chọn thời điểm để đầu tư phù hợp nhất. Những doanh nghiệp có tiềm lực sẵn có, vốn dồi dào và ít nợ vay sẽ có ưu thế cạnh tranh và phát triển hơn so với phần còn lại trong bối cảnh thị trường đang khát vốn và lãi suất cao hiện tại.

Theo TBCK

Link gốc : https://tbck.vn/nhung-diem-nhan-chung-khoan-2020-57984.html

Bạn đang đọc bài viết Những điểm nhấn chứng khoán 2020 tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Tin tức mới nhất