Sau vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng 6.000m2 của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (ngày 29/8), người lao động của Công ty Rạng Đông cũng như người dân Hà Nội không khỏi hoang mang.
Thông tin trên trang Nhà đầu tư, Công ty Rạng Đông ước tính vụ hoả hoạn đã gây thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng, tương đương với dưới 5% tổng tài sản của công ty. Những thiệt hại ban đầu từ vụ cháy kho xưởng đã lập tức ảnh hưởng tới giá cổ phiếu RAL của Rạng Đông trên sàn chứng khoán. Trong hai phiên giao dịch ngày 29 và đầu ngày 30/8, cổ phiếu RAL đã giảm kịch sàn, mất tổng cộng 14% xuống chỉ còn 78.000 đồng/CP. Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán cũng rơi vào hoảng loạn khi giá cổ phiếu RAL của công ty liên tục giảm kể từ sau thời điểm xảy ra vụ cháy.
|
Đồ thị kĩ thuật cổ phiếu Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Nguồn: fpts.com.vn |
Đồ thị kĩ thuật cổ phiếu Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại trang fpts.com cho thấy tính đến hết phiên giao dịch sáng ngày 10/9, cổ phiếu RAL đống cửa với mức giá 73.000 đồng/CP. Rất có thể đà giảm vẫn chưa chịu dừng lại bất chấp kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan cùng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà HĐQT đã cam kết.
Theo báo cáo của công ty, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hiện sở hữu 213.639 cổ phiếu RAL của công ty, chiếm tỷ lệ 1,86%. Với mức giá 73.000 đồng/cổ phiếu, RAL đã giảm 12.280 đồng (12,5%) kể từ sau vụ hỏa hoạn. Như vậy, ông Nguyễn Đoàn Thăng đã mất đi 2,3 tỷ đồng do giá cổ phiếu RAL sụt giảm.
|
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Nguồn: netnews.vn |
Ông Nguyễn Đoàn Thăng đã có 31 năm làm Giám đốc rồi Tổng Giám đốc của Công ty Rạng Đông, được bầu làm Chủ tịch HĐQT kể từ tháng 3/2019 khi đã bước sang tuổi 76. Ông đã gắn bó với công ty từ khi còn ở độ tuổi 21.
Liệu cổ phiếu RAL có được hồi sinh?
Theo báo Thời Đại, sau cổ phần hoá năm 2004, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ là 79,1 tỉ đồng và đã nâng vốn lên 115 tỉ đồng. Sau 60 năm phát triển, Rạng Đông đã trở thành doanh nghiệp số một về bóng đèn, phích nước với mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng phân phối, đứng thứ 402 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Thời điểm này chưa ai có thể ước lượng được mức độ thiệt hại thực sự đối với công ty từ việc khắc phục hậu quả như: xử lý môi trường, chi phí khám sức khỏe cho người lao động, bồi thường thiệt hại vật chất cho hàng nghìn hộ dân xung quanh, di dời nhà máy,…
Theo Báo điện tử Infonet, một vấn đề đáng lo ngại là Rạng Đông đang chịu gánh nặng nợ rất lớn khi sử dụng "đòn bẩy" tài chính quá cao. Đến cuối thán 6/2019, tổng cộng nguồn vốn là 2.782 tỉ đồng nhưng có tới gần 70% là nợ phải trả, tương ứng 1.947 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là vay và nợ vay tài chính ngắn hạn là 1.460 tỉ đồng. Tổng nợ cũng vượt gấp gần 17 lần vốn điều lệ công ty.
Được biết, các chủ nợ lớn nhất của Rạng Đông hiện là Vietcombank với dư nợ ngắn hạn hơn 402 tỉ đồng, Vietinbank (255 tỉ đồng), SCB (188 tỉ đồng)… và được đảm bảo bằng hàng tồn kho và các khoản phải thu, quyền thu tại các hợp đồng kinh tế. Hiện chưa rõ, hàng hoá là tài sản thế chấp của các ngân hàng tại kho Hạ Đình vừa bị cháy là bao nhiêu và các chủ nợ sẽ xử lý thế nào khi tài sản đảm bảo đã bị "cháy thanh tro bụi"?
Áp lực nợ vay, chi phí tài chính quá lớn khiến cho hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng và lợi nhuận chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng doanh thu. Các chỉ số ROA và ROE cũng kém khả quan, không hấp dẫn giới đầu tư cổ phiếu.
Với hàng loạt thách thức trước mắt, khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi về giá đối với cổ phiếu RAL trong ngắn hạn.