Cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, lãnh đạo doanh nghiệp phản ứng thế nào?

nguoiduatin 11:00 23/06/2022

Thông báo mua vào hàng triệu cổ phiếu, viết tâm thư gửi cổ đông… là những phương án mà lãnh đạo các công ty DIG, LDG hay HDC thực hiện khi cổ phiếu lao dốc.

Dù các công ty vẫn hoạt động bình thường, không có biến động gì xấu song theo đà downtrend của thị trường 2 tháng trở lại đây, nhiều mã giảm sàn liên tục khiến các lãnh đạo doanh nghiệp phải có biện pháp "đỡ" giá của phiếu.

Lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Anh Minh vừa thông báo đăng ký bán 200.000 cổ phiếu HDC của Công ty Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) trong thời gian 24/6 đến 22/7.

Đây là giao dịch bán giải chấp (buộc bán từ phía công ty chứng khoán). Việc bán giải chấp thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Việc bán giải chấp này nhằm thu hồi lại tiền mà công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư vay. Phương thức dự kiến cho giao dịch này là khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Công ty Thiên Anh Minh hiện nắm giữ 250.000 cổ phiếu HDC trước giao dịch, như vậy lượng bán giải chấp chiếm đến 80% khối lượng đang nắm giữ. Đây là tổ chức có liên quan đến người nội bộ Nguyễn Tuấn Anh - thành viên HĐQT độc lập Hodeco.

Ông Nguyễn Tuấn Anh hiện nắm giữ trực tiếp 247.015 cổ phiếu HDC. Đáng chú ý, thành viên Hội đồng quản trị công ty cũng buộc bán giải 197.600 cổ phiếu, chiếm 80% lượng sở hữu.

Mã HDC bật tăng trần trở lại sau khi doanh nghiệp có văn bản giải trình với HoSE và lãnh đạo đã bị bán giải chấp cổ phiếu. (Ảnh: FireAnt)

Thông báo bán giải chấp được phát ra khi mã HDC đã giảm 8 phiên liên tiếp, trong đó có 5 phiên giảm sàn, khiến giá rơi từ vùng 49.000 đồng/cổ phiếu xuống 30.000 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh lịch sử gần cuối năm 2021, thị giá HDC đã lao dốc gần 70% giá trị.

Do giảm sàn 5 phiên, nên công ty buộc phải có văn bản giải trình với HoSE. Trong văn bản, ông Đoàn Hữu Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết nguyên nhân là cung cầu thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Chủ tịch công ty khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, các kế hoạch đã thông qua đều được thực hiện đúng tiến độ.

Hội đồng quản trị Hodeco cũng quyết định dùng thặng dư vốn cổ phần để mua lại 3 triệu cổ phiếu để bình ổn giá và tạo tâm lý vững tin cho nhà đầu tư. Giá mua lại dự kiến theo giá thị trường nhưng không vượt quá đơn giá 40.000 đồng/cổ phiếu, hoặc đến khi công ty sử dụng hết nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện trong quý III, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận.

Sau thông tin này, cổ phiếu HDC đảo chiều từ giảm mạnh thành tăng kịch trần trần, chạm mốc 31.800 đồng/cổ phiếu, trắng bên bán trong phiên ngày 22/6.

Lãnh đạo gửi "tâm thư" cho cổ đông

Một mã khác cũng có 5 phiên giảm sàn khiến lãnh đạo phải lên tiếng giải trình là DIG của DIC Corp.

Cụ thể, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG ) đã có thư gửi cổ đông công ty trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG liên tục lao dốc trong thời gian gần đây. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu này đã có 9 phiên giảm điểm liên tiếp, xuống mức 31.500 đồng/cổ phiếu phiên ngày 21/6. So với vùng đỉnh lịch sử 119.800/cổ phiếu vào đầu tháng 1, thị giá DIG đã mất khoảng 70%, đặc biệt là sau khi 2 cổ đông lớn là Him Lam và Thiên Tân liên tục bán cổ phiếu.

Trong thư, Chủ tịch DIC Corp cho rằng tiềm lực của công ty chưa được phản ánh đúng vào giá cổ phiếu DIG trong thời gian gần đây do xu hướng tiêu cực chung của thị trường, sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, áp lực lạm phát tăng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam

Bên cạnh đó, theo vị Chủ tịch, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng chịu tác động mạnh do các chính sách siết chặt hoạt động đầu tư, trong đó có chính sách siết chặt tín dụng bất động sản. Đây là những khó khăn của toàn thị trường chứ không chỉ riêng DIC Corp.

Trước bối cảnh này, ông Tuấn nhận định các ảnh hưởng gần đây của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn đến thị giá cổ phiếu và sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng phát triển dài hạn của DIC Corp.

Bên cạnh đó, DIC Corp đang tìm thêm những giải pháp để có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022. Công ty vẫn sẽ giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 1.900 tỷ đồng. Trong quý I/2022, tình hình sản xuất kinh doanh của DIG vẫn diễn ra bình thường.

Read more...

Chưa dừng lại ở đó, trước tình hình này, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT Corp mới đây cũng đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để nâng tỉ lệ sở hữu theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 30/6-29/7/2022.

Nếu giao dịch thành công, ông Cường sẽ nắm giữ 61,4 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu từ 10,28% lên 12,28% vốn điều lệ. Sau thông tin này, kết phiên ngày 22/6, mã DIG bật tăng trần trở lại.

Chiếu theo thị giá kết phiên 22/6 là 33.700 đồng/cổ phiếu, ước tính Phó Chủ tịch phải chi hơn 337 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.

Lãnh đạo chi tiền "đỡ" giá cổ phiếu

Hay như Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG) gần đây cũng phải giải trình về giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Cụ thể, LDG giảm sàn liên tục từ ngày 13/6 đến 17/6.

Về vấn đề này, phía công ty cho biết, công ty vẫn hoạt động bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Từ ngày 13/6 đến 17/6 giá cổ phiếu LDG đều có mức giảm trên 6% chỉ còn 8.910 đồng và tính từ đầu năm (7/1/2022) giá cổ phiếu LDG đã giảm gần 70% từ 27.300 đồng về 8.910 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/6, giá cổ phiếu LDG giảm thêm 6,96% về còn 8.290 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh cổ phiếu giảm sàn liên tục, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT công ty đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu LDG, nhằm tăng tỉ lệ sở hữu cá nhân.

LDG đã tăng trần trở lại trong phiên giao dịch ngày 22/6. Hôm 30/6 tới đây LDG sẽ họp ĐHĐCĐ lần thứ 3. (Ảnh: FireAnt)

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 22/6 đến 21/7/2022, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Khánh Hưng sẽ nâng sở hữu tại LDG từ 27,13 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 11,29% lên 29,13 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 12,13%.

Hồi đầu tháng 6, công ty đã tổ chức ĐHCĐ thường niên lần 2 sau khí tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 vào ngày 15/4 bất thành do lượng cổ đông tham dự chỉ đại diện cho hơn 70 triệu cổ phiếu, chiếm 29,56% tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và không đủ điều kiện tổ chức. Trong đại hội lần 2 này công ty cũng chỉ có đại diện cho hơn 72 triệu cổ phiếu tham dự, tương ứng 30,14% tổng số biểu quyết và cũng không đủ điều kiện tổ chức.

LDG tiếp tục tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ 3 ngày 30/6 bằng hình thức trực tuyến. Danh sách chốt cổ đông tham dự đại hội là ngày 9/3/2022.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có văn bản hướng dẫn các sở giao dịch chứng khoán về việc yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/co-phieu-giam-san-lien-tiep-lanh-dao-doanh-nghiep-phan-ung-the-nao-a557362.html

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, lãnh đạo doanh nghiệp phản ứng thế nào? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Tin tức mới nhất