Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, ngày 17/3, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
|
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ản minh họa) |
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
BHXH các địa phương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi. Định kỳ trước ngày 5 hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam.
Người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020
"Trong điều kiện hiện nay, bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỉ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% chứ không riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH theo chúng tôi là từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với tác động, đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này; và 150.000 - 200.000 doanh nghiệp với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết quan điểm của bộ là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. "Đây là chủ trương rất lớn, chúng ta có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỉ đồng".
|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty điện tử Samsung tại Thái Nguyên ngày 12-2 - Ảnh: ĐỨC BÌNH/Tuổi trẻ |
Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.
Nhóm giải pháp thứ ba, có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.
Nhóm giải pháp thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tập trung hai việc: doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định.
Việc thứ hai có tính chất dài hơi hơn là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này.
Nhóm giải pháp thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.
Cuối cùng, nhóm giải pháp thứ sáu theo đề xuất của nhiều nghiệp đoàn, tập đoàn, Bộ LĐ-TB&XH đã bàn với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.
T.Hường (T.H)/Sở hữu Trí tuệ