Bảo hiểm Covid-19 có “đục nước béo cò”?

DTVN 16:55 05/04/2020

Doanh nghiệp được quyền kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ pháp luật không cấm. Nhưng doanh nghiệp không nên “nhờ gió bẻ măng” rằng dựa vào biến cố rủi ro của đất nước, tâm lý người dân trên thị trường.

Người viết bài này chưa có điều kiện tìm hiểu ai là tác giả của sản phẩm bảo hiểm Covid-19, ban đầu gọi là bảo hiểm corona. Nhưng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ trung tuần sản phẩm bảo hiểm này được nở rộ. Không nói quá, rất nhiều khách hàng trong đó có cả doanh nghiệp, đón nhận sản phẩm bảo hiểm Covid-19 như là một cứu tinh cho khắc phục rủi ro dịch Covid-19 do nó tung ra đúng thời điểm.

Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm tung gói sản phẩm bảo hiểm dịch bệnh Covid-19.

Hàng loạt công ty bảo hiểm xuất hiện trên thị trường như Công ty Bảo hiểm Viễn Đông, Bảo Việt, BVI, VPI, VNI, BHS,… đã đưa ra nhiều gói bảo hiểm Covid-19 ở mức phí và mức đền bù khác nhau nhằm hấp dẫn khách hàng để cạnh tranh. Điều đáng lưu ý ở đây, sản phẩm Covid-19 nở rộ do nó được tiếp sức bởi hệ thống đại lý dày đặc có điều kiện chèo kéo khách hàng là các ngân hàng thương mại.

Thế nhưng thị trường rất bất ngờ, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nội dung khoản 10 của chỉ thị ghi rõ, giao Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với dịch bệnh Covid-19. Chiều cùng ngày, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm) đã có Văn bản số 3786 yêu cầu các doanh nghiệp phi nhân thọ quán triệt trên toàn hệ thống đại lý của doanh nghiệp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại sao sản phẩm bảo hiểm Covid-19 lại chết yểu?

Thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam các định chế dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ rất hạn chế thậm chí từ chối phát hành loại hợp đồng bảo hiểm sức khỏe liên quan đến dịch bệnh. Tại sao? Vì nhà cung cấp dịch vụ không thể kiểm soát được mức độ rủi ro của các hợp đồng bảo hiểm mà họ sẽ cấp cho khách hàng.

Thông thường để giảm thiểu rủi ro cho hợp đồng bảo hiểm có rủi ro bất khả kháng người ta thực hiện nghiệp vụ tái bảo hiểm bởi một tổ chức bảo hiểm khác tiềm lực mạnh hơn để chia sẻ rủi ro. Thế nhưng với hợp đồng bảo hiểm dịch Covid-19 không thể tái bảo hiểm như vậy được.

Nguyên tắc có tính bắt buộc của việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm là phải điều tra xác định được xác suất rủi ro. Việc tung ra thị trường sản phẩm bảo hiểm Covid-19 vừa qua, rất khó hiểu việc các công ty bảo hiểm bỏ qua nguyên tắc sống còn đó. Đương nhiên, việc tiên lượng xác suất rủi ro trong hợp đồng bảo hiểm Covid-19 trên thực tế là bất khả thi. Tại đây cho thấy các nhà cấp hợp đồng bảo hiểm Covid-19 là tương đối liều, phải chăng “điếc không sợ súng”?

Về lý thuyết, kinh doanh bảo hiểm được cho là kinh doanh sự rủi ro. Vì vậy, bắt buộc nhà cung cấp bảo hiểm phải xác suất được mức độ rủi ro để định mức phí, đền bù và điều kiện đền bù. Kinh doanh bảo hiểm nếu chỉ dựa vào sự may rủi thì khác gì cờ bạc. Khi hầu như trên toàn cầu dịch Covid-19 đang hoành hành hết sức phức tạp, không ai có thể dự kiến được sẽ có bao nhiêu người bị dương tính, nhập viện, bệnh nhân nặng, tử vong của một quốc gia.

Giả định số ca dương tính Covid-19 lên đến hàng nghìn, chục nghìn người và số ca tử vong lên hàng nghìn người như đã và đang xảy ra tại Trung Quốc, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp,… sẽ diễn ra ở nước ta liệu các công ty bảo hiểm có đổ bể tháo chạy? Chính phủ hay là ai đứng ra hứng hậu quả này.

Những kịch bản của Chính phủ đã công bố và chưa công bố về chống dịch Covid-19 mục tiêu là chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương và yêu cầu người dân tập trung chống dịch Covid-19 nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây không phải là cơ sở khoa học để nhà bảo hiểm Covid-19 tiên lượng xác suất rủi ro.

“Nhờ gió bẻ măng” trục lợi

Về mặt kỹ thuật, điều kiện thủ tục đền bù trong các hợp đồng bảo hiểm rủi ro về sức khỏe hết sức kín kẽ, phức tạp. Thực tế đã không ít trường hợp khách hàng bị công ty bảo hiểm từ chối đền bù, phản ứng nhưng cuối cùng bị thua cuộc. Thông thường các điều khoản đền bù khá phức tạp nhưng khách hàng bỏ qua tự tìm hiểu nghiên cứu kỹ, chủ yếu tin một chiều vào tư vấn hưởng hoa hồng nên khi có sự cố trong đền bù hợp đồng chỉ ôm hận mà thôi.

Để được nhận đền bù bảo hiểm Covid-19, điều kiện bắt buộc là khách hàng phải cấp cho công ty bảo hiểm các giấy tờ như thông báo dương tính, hóa đơn thu tiền bệnh viện, nếu tử vong phải có giấy chứng tử, hóa đơn chi phí mai táng...

Theo như thông báo từ Chính phủ, tất cả chi phí về bệnh Covid-19 từ cách ly, xét nghiệm dương tính đến điều trị bệnh đều do Nhà nước tài trợ. Vậy thì các công ty bảo hiểm có hồ sơ chứng minh đền bù đâu mà trả tiền đền bù? Điều đó có quyền nghi nghờ phải chăng các công ty bảo hiểm đã lạm dụng chính sách của Chính phủ và thời điểm người dân bất ổn tâm lý, “nhờ gió bẻ măng” trục lợi.

Phi lý và yếu về nhân văn của sản phẩm Covid-19 chưa được cơ quan chức năng công khai chỉ ra nhưng dù sao nó đã dừng lại theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói đây là sự chỉ đạo kịp thời, tránh được hậu họa xấu sẽ xảy ra trong tranh chấp dân sự và an ninh trật tự xã hội.

Chưa có thống kê cho biết số lượng hợp đồng bảo hiểm Covid-19 đã được các công ty bảo hiểm đã cấp cho khách hàng nhưng chắc chắn khá nhiều. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ có văn bản pháp lý giải quyết hậu quả này.

Theo như thông báo từ Chính phủ, tất cả chi phí về bệnh Covid-19 từ cách ly, xét nghiệm dương tính đến điều tri bệnh đều do Nhà nước tài trợ. Vậy thì các công ty bảo hiểm có hồ sơ chứng minh đền bù đâu mà trả tiền đền bù? Điều đó có quyền nghi ngờ phải chăng các công ty bảo hiểm đã lạm dụng chính sách của Chính phủ và thời điểm người dân bất ổn tâm lý, “nhờ gió bẻ măng” trục lợi.

Theo Kinh tế đô thị

Bạn đang đọc bài viết Bảo hiểm Covid-19 có “đục nước béo cò”? tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm
Tin tức mới nhất