|
Vị thế trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cùng 12 triệu m2 đất dự án biến Viglacera trở thành đích ngắm thâu tóm của không ít đại gia khi Bộ Xây dựng thoái vốn, nhưng chủ mới thì chỉ có một! |
Nửa sau năm 2017, giao dịch cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera từ chỗ khá trầm lắng với vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị, thì bắt đầu xuất hiện lác đác các phiên có khối lượng nhiều triệu cổ phần, cả khớp lệnh lẫn thoả thuận.
Nguồn cầu bất ngờ trỗi dậy, khiến thị trường lờ mờ đồn đoán về một cuộc thâu tóm, trong bối cảnh Bộ Xây dựng công khai ý định thoái hết vốn.
Giá cổ phiếu VGC cứ tăng dần, qua đỉnh này đến đỉnh khác, tăng gấp đôi, vượt mốc 20.000 đồng/CP tháng 9/2017, rồi suýt soát mức 25.000 đồng/CP 2 tháng sau đó. Dù vậy, mã chứng khoán này vẫn miệt mài được mua bán, với "volume" dần đạt 1-3 triệu cổ phiếu, tương đương từ 0,2-1% vốn điều lệ Viglacera mỗi phiên.
Xu hướng này vẫn tiếp tục, tới mức mỗi phiên trao tay 4-5 triệu cổ phần không còn là quá lạ lẫm với nhà đầu tư trên sàn UpCOM.
Đà gom cổ phiếu VGC kéo dài trong 2 năm, chỉ dừng lại vào cuối tháng 5/2019, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) của Viglacera. Trùng hợp, đó cũng là thời điểm một đại gia máu mặt bắt đầu lộ diện: Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).
Sau khi mua lại phần vốn chi phối trong Gelex (78%) từ Bộ Công thương vào cuối năm 2015, doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn không những đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, mà còn biến tổng công ty này trở thành một tập đoàn "holding", phục vụ cho loạt thương vụ M&A đình đám sau đó, như Sotrans, Sowatco, Nước sạch Sông Đà...
Và lần này, là Viglacera.
Cuối tháng 2/2019, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex công bố trở thành cổ đông lớn, nắm 6,02% vốn Viglacera sau khi mua 27 triệu cổ phần từ quỹ ngoại Dragon Capital. Trước đó, công ty mẹ Gelex cũng đã âm thầm mua gom 17 triệu cổ phiếu VGC. Nhóm Gelex công khai sở hữu gần 44 triệu cổ phiếu, tương đương 9,8% vốn Viglacera. Tỷ lệ này tăng mạnh lên 24,96% sau đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng vào cuối tháng 3/2019.
Gelex, hay nói chính xác hơn là đại gia Nguyễn Văn Tuấn lựa chọn xuất hiện tại Viglacera vào thời điểm tổng công ty này cùng khối tài sản khổng lồ rời sàn UpCOM để chuyển sang HoSE, và quan trọng hơn, là ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Viglacera - nơi Gelex kỳ vọng cụ thể hoá số cổ phần sở hữu bằng những chiếc "ghế" trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Lưu ý rằng cuộc thoái vốn của Bộ Xây dựng diễn ra không lâu trước ĐHĐCĐ thường niên của Viglacera. Và dù chỉ bán được 16%/18% đăng ký, thì tỷ lệ sở hữu cũng giảm từ mức quá bán 54% về 38%. Bỏ qua những nghi ngại về lợi ích nhà nước (vì sao không đấu giá toàn bộ hay bán cổ phần chi phối như Sabeco, Vinamilk), thì việc bán mạnh vốn trước thềm ĐHĐCĐ, dù vô tình hay hữu ý, đã "dọn đường" cho nhóm Gelex đưa người vào HĐQT Viglacera.
Những diễn biến "êm ả" trong cuộc Đại hội ngày 26/6/2019 phần nào minh định thêm cho giả thiết này.
Nhóm Gelex chưa nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng nên theo luật, không được đề cử người vào HĐQT. Dù vậy, họ vẫn có 2 đại diện trong HĐQT nhiệm kỳ mới bằng một "con đường" khác.
Bộ Xây dựng có 38% vốn, theo Điều lệ có thể đề cử 3 người, nhưng chỉ đề cử 2 người là ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Trần Ngọc Anh. Ông Luyện Công Minh được một nhóm cổ đông sở hữu 23,3 triệu cổ phần (5,19% vốn) đề cử.
Hai vị trí bỏ trống còn lại, được HĐQT nhiệm kỳ cũ giới thiệu 2 ứng viên là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Đỗ Thị Phương Lan - Chủ tịch và Phó Chủ tịch Gelex. Việc giới thiệu dựa trên văn bản đề cử của nhóm cổ đông sở hữu 147,55 triệu cổ phần (32,91% vốn) Viglacera ngày 19/6/2019. Cần biết rằng, văn bản này chỉ mang tính đề xuất, chứkhông có giá trị pháp lý, bởi như đã đề cập, nhóm Gelex chưa sở hữu cổ phiếu VGC đủ thời gian quy định để tự đề cử.
Kết quả bỏ phiếu, 2 đại diện của Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn có 588,2 triệu phiếu, bà Đỗ Thị Phương Lan là 193,2 triệu phiếu, 2 đại diện của Bộ Xây dựng là ông Trần Ngọc Anh có 308 triệu phiếu, ông Nguyễn Anh Tuấn có 458 triệu phiếu, trong khi ông Luyện Công Minh có 268,3 triệu phiếu.
HĐQT nhiệm kỳ mới 2019-2024 đã họp ngay sau đó và bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT Viglacera. Quyết định này, theo Điều lệ và Quy chế Quản trị nội bộ, phải được quá bán, tức là ít nhất 3/5 Thành viên HĐQT chấp thuận. Bởi vậy, có hay không cái "gật đầu" của Bộ Xây dựng, thì doanh nhân sinh năm 1984 cũng hoàn toàn có thể đảm trách vị trí cao nhất trong HĐQT Viglacera.
Một chi tiết nữa cần lưu ý, là tỷ lệ sở hữu "thực" của nhóm Gelex phần nào thể hiện qua số phiếu 2 đại diện của họ nhận được. Theo thể thức bầu dồn phiếu, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Gelex nhận được tổng cộng 781,5 triệu phiếu, tương đương 156,3 triệu cổ phần, hay 35% cổ phần Viglacera. Cũng với cách tính toán này, 2 đại diện của Bộ Xây dựng chỉ nhận được 766 triệu phiếu, hay 153,2 triệu cổ phần, thấp hơn 20 triệu cổ phần so với thực sở hữu (173 triệu cổ phần). Không rõ số cổ phần này đã bị "vô tình" quên đi, hay còn được dành để bỏ cho thành viên nào khác?!
|
Tân Chủ tịch Viglacera Nguyễn Văn Tuấn tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 |
Tham vọng địa ốc của đại gia Tuấn "Gelex"
Không như Gelex, tại Viglacera, với 38% vốn của Bộ Xây dựng và hơn 12% khác được nắm giữ bởi các quỹ ngoại, có thể khẳng định tới thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn chưa thể chi phối và chỉ mới hoàn tất được một phần trong tham vọng M&A của mình. Tuy vậy, với lộ trình thoái hết vốn nhà nước, rõ ràng doanh nhân quê Hà Nam đang nắm lợi thế rất lớn để trở thành chủ mới Viglacera.
Gelex và Viglacera là những thương hiệu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng. Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi, thì cặp đôi tổng công ty này khi kết hợp sẽ tạo ra sức mạnh vượt trội trong lĩnh vực bất động sản, nhất là khi 2 ông lớn quốc doanh một thời đều sở hữu quỹ đất rất đáng mơ ước.
Với Gelex là 35% cổ phần trong Khách sạn Melia (Hoàn Kiếm), toà nhà trụ sở 52 Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng), và đáng kể nhất là gần 10.000 m2 ngã tư Trần Nguyên Hãn - Lý Thái Tổ, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chừng 150m có giá thị trường không hề kém cạnh số tiền Bộ Công thương thu về khi bán Gelex cuối năm 2015. Về phần Viglacera, đây là ông lớn thực thụ trong lĩnh vực bất động sản, với hàng chục khu công nghiệp, dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ở miền Bắc cùng quỹ đất lên tới 12 triệu m2.
Gần đây nhất, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc giao chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư dự án thí điểm khu nhà ở xã hội quy mô hơn 5.000 tỷ đồng tại Đông Anh, Hà Nội. Liên danh đề xuất dự án là Viglacera và Hoàng Thành Group - tập đoàn kín tiếng của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thật trùng hợp, lại là một Thành viên HĐQT Gelex.
Nếu được chấp thuận triển khai, thì dự án nhà ở xã hội lớn nhất Hà Nội sẽ là phép thử quan trọng đối với tham vọng và năng lực quản trị trong lĩnh vực địa ốc của tân Chủ tịch Viglacera Nguyễn Văn Tuấn.
Biết rằng ngay sau khi nắm quyền tại Gelex, doanh nhân năm nay 37 tuổi đã không giấu diếm tham vọng làm bất động sản quy mô lớn.
Năm 2018, Gelex thành lập Công ty TNHH MTV Gelex Land với mục tiêu tối ưu hoá quỹ đất sẵn có của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Chiến lược tái cấu trúc cũng đã xác định bất động sản sẽ thành một trong 4 lĩnh vực chính của Gelex, bên cạnh thiết bị điện, năng lượng và logistics.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nhóm chủ của Gelex cũng đang có những hợp tác sâu sắc với Refico Group của doanh nhân Trần Quyết Thắng. Refico cùng ông Thắng được biết tới là đối tác lâu năm của Bản Việt Group của bà Nguyễn Thanh Phượng, mà điển hình là dự án 3A-3B Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM), đã được đề cập cách đây không lâu.
Nên nhớ, Chứng khoán Bản Việt từng được chỉ định làm nhà đầu tư chiến lược, mua 10% cổ phần Gelex cuối năm 2015, trước khi bán lại cho nhóm ông Nguyễn Văn Tuấn ít lâu sau đó, trong một thương vụ mà đến bây giờ vẫn mang nhiều màu sắc bí ẩn.
Theo Nhà đầu tư