Vòi phun nước lấn vỉa hè ngay cạnh trụ sở phường
Nhiều người dân qua lại khu vực cho rằng, việc xây dựng đài phun nước ngay trên vỉa hè là trái pháp luật bởi thời gian qua Hà Nội từng vận động, thậm chí ra quân đập phá nhiều bậc thang, tháo dỡ nhiều mái vẩy xâm lấn vỉa hè nhằm trả vỉa hè cho người đi bộ. Ây vậy mà không hiểu vì sao cái vòi phun nước này lại mọc lên sừng sừng ngày ngày phun nước như một sự trêu ngươi với dư luận.
Theo phản ánh của người dân, để xây đài phun nước trên vỉa hè, cây xanh trước đó đã bịt chặt bỏ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành tòa nhà này, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố Hà Nội kêu gọi các tập đoàn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các trung tâm mua sắm, dịch vụ để phục vụ cho tham quan, du lịch và triển lãm cũng như mở ra các món ăn ẩm thực cho người Hà Nội và cho du khách. Công trình của Tập đoàn DOJI chính là cụ thể hóa mục tiêu trên của Thành phố.
|
Vòi phun nước của tòa nhà DOJI lân vỉa hè gây bức xúc dư luận |
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hy vọng công trình DOJI Tower sẽ đóng góp thu hút khách, là địa chỉ có thể tham quan, mua sắm sản phẩm vàng bạc đá quý.
Cũng tại buổi Lễ Khánh thành, ông Đỗ Minh Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết công trình đánh dấu hành trình ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển, Tòa nhà DOJI Tower chính là lời tuyên ngôn mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất cho những thắng lợi mới của Tập đoàn DOJI trong tương lai. Qua đó góp phần đẩy mạnh tiến trình hoàn thành mục tiêu tới năm 2025 trở thành Tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam; và DOJI Tower chắc chắn sẽ trở thành một trong những công trình biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Ấy vậy mà biểu tượng thủ đô ở đâu chưa thấy, chỉ thấy sự âm ỉ bức xúc của người dân vì vỉa hè bị lấn một cách ngang nhiên. Cạnh đó, UBND phường Điện Biên cách cũng không xa là bao, lẽ dĩ nhiên lãnh đạo phường này không thể không biết.
Môi Trường Đô Thị dẫn lời Chủ tịch UBND phường Điện Biên nói rằng: "Cái này là do đơn vị tự xây trong mấy ngày khai trương, UBND phường ngay sau khi biết được thông tin về việc này đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà khắc phục”.
Trả lời là thế nhưng trên thực tế công trình tồn tại sai phép theo lời vị Chủ tịch UBND phường Điện Biên vẫn "thi gan cùng tuế nguyệt" cho đến nay mà không hề bị phá bỏ.
Câu hỏi được dư luận đặt ra rằng, phải chăng các cơ quan chức năng sở tại do bận công việc mà "quên mất" việc xử lý công trình lấn chiếm vỉa hè này, hay họ đang làm ngơ cho sai phạm tồn tại?
Còn ông, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank và là ông chủ của DOJI ông sẽ nghĩ gì về những bức xúc của người dân thưa ông?
DOJI đã thâu tóm đất kim cương này ra sao?
Viettimes thông tin, dĩ nhiên, với vị trí đắc địa của mình và trong cơn bùng nổ bất động sản thủ đô, Hapro Mart số 5 Lê Duẩn nhanh chóng vào tầm ngắm của các ông chủ địa ốc sẵn tiền và giàu ý tưởng.
Vì cơ sở nhà đất này được giao cho Hapro – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND Tp. Hà Nội – quản lý sử dụng (hình thức: trả tiền thuê đất hàng năm) nên Hapro sẽ có điều kiện nhất để đề xuất, trình và triển khai dự án. Và thực tế là hạ tuần tháng 7/2010, Hapro – trong vai chủ đầu tư - đã chính thức khởi công dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 222 tỷ đồng, trung tâm được giới thiệu là sẽ cao 9 tầng, 3 tầng hầm và 1 tum cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. “Công trình dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công (tháng 7/2012) với thời gian khai thác sử dụng là 30 năm; được bố trí làm trung tâm thương mại và văn phòng”, một bản tin về sự kiện khởi công này còn lưu.
|
Từ đất của doanh nghiệp thuộc Nhà nước, chỉ với cú bắt tay hợp tác đã chuyển thành đất của tư nhân |
Nhưng trung tâm này không có cơ hội khánh thành, mà lại được điều chỉnh theo một ý tưởng mới kèm với sự xuất hiện của một cái tên mới: Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji của đại gia Đỗ Minh Phú. Theo một cách khá kinh điển và đầy hợp lý, Doji đồng hành cùng Hapro để hợp tác đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5, Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hapro và Doji mang số hiệu 01/2012/HĐTCKD/HAPRO-DOJI được ký ngày 20/03/2012 – thời điểm mà lẽ ra dự án đã phải đi vào hoàn thiện để chuẩn bị khánh thành, nếu kế hoạch ban đầu của Hapro xuôi thuận.
Mất thêm 7 năm rưỡi và nhiều lần điều chỉnh, dự án hợp tác giữa Doji với Hapro mới hoàn thành. Hôm 6/9/2019 vừa rồi, dự án được chính thức khai trương. Khi này, phần đông chỉ biết đến chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Doji, và cái tên Doji Tower của công trình cũng không có chút gợi nhớ nào đến Hapro.
Thực tế, quyền lợi của Hapro đã sớm được Doji xác lập khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo tìm hiểu của VietTimes, Hapro sẽ được quyền sở hữu, khai thác và sử dụng toàn bộ diện tích sàn tầng 4, sàn tầng hầm 1 và sàn tầng hầm 3 của tòa nhà; Thêm vào đó, Hapro còn nhận được khoản tiền tham gia hợp tác kinh doanh (chưa bao gồm thuế VAT) do CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji thanh toán là 134 tỷ đồng. Được biết, số tiền này Hapro đã nhận và hạch toán cho cả vòng đời dự án.
Đáng chú ý, giao kèo giữa Doji và Hapro còn ấn định: “Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng, công năm hoặc thiết kế dự án thì quyền lợi của Hapro là cố định và không thay đổi do bất kỳ yếu tố nào”.
Nói cách khác, dù mang hình thức của một hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng bản chất, ở một giác độ nào đó, cũng có thể hiểu Hapro đã sang tên dự án cho Doji.
Như đã biết, sau khi về với Doji, dự án số 5 Lê Duẩn đã được điều chỉnh quy mô lên rất khác, với tổng diện tích sử dụng lên tới gần 19.000 m2, cao 16 tầng và có 3 tầng hầm.
Quá trình sang nhượng hợp tác này có tiến hành đúng luật? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Anh Ngọc/SHTT