Hiệu quả kinh doanh chưa đủ để bù đắp các khoản chi phí ban đầu
Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (UpCom: BDP) là chủ một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất tại TP. Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort. Khách sạn này nằm trên trục đường Trường Sa thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), con đường tập trung nhiều khách sạn hạng sang nhất khu vực miền Trung như Furama, Pullman, Crowne Plaza, Vinpearl, Melia…
Với diện tích 8,3 ha, Sheraton Đà Nẵng nằm trong một quần thể dự án biệt thự và khách sạn bao gồm xây dựng và kinh doanh khu khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiêu chuẩn 5 sao và các công trình phụ trợ khác.
|
Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (UpCom: BDP) là chủ một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất tại TP. Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort. |
Năm 2018 là năm đầu tiên chủ đầu tư tại đây đưa hệ thống khách sạn 5 sao này đi vào hoạt động. Cùng với con số lỗ 178 tỷ đồng trong năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Công ty tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới 334 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 80,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do hiệu quả kinh doanh của Khách sạn chưa đủ để bù đắp các khoản chi phí ban đầu. Trong năm 2018, gánh nặng lớn nhất của khách sạn là chi phí khấu khao tài sản cố định, phân bổ công cụ dụng cụ và chi phí lãi vay.
Đến năm 2019, theo bản cân đối kế toán/bán niên 2019 của Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương, tài sản cố định của doanh nghiệp chiếm đến 91% tài sản dài hạn (Tài sản dài hạn: 2188 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị hao mòn lỹ kế lên đến 196 tỷ đồng. Chính con số này trở thành gánh nặng doanh nghiệp.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bán niên năm 2019. Mặc dù doanh thu thuần tăng 24%, tuy nhiên, do giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh lên 45%, điều đó kéo theo lợi nhuận gộp của BDP cũng giảm mạnh 43%, giảm từ 29.5 tỷ xuống chỉ còn 20.6 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, số dư vay và nợ thuê tài chính (dài hạn và ngắn hạn) của Công ty ở mức 1.114 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm (1.125 tỷ đồng).
Theo Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý IV/2019, Công ty đã dành ra gần 182 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay, nhưng cũng đi vay thêm 170,5 tỷ đồng trong năm 2019. Điều này cho thấy chi phí tài chính sẽ tiếp tục là gánh nặng cho Công ty trong năm 2020.
Thách thức của doanh nghiệp
Với hoạt động chính là cung cấp dịch vụ lưu trú hạng sang, trong đó lượng khách du lịch quốc tế là nguồn khách hàng quan trọng, doanh thu của Công ty sẽ gặp nhiều thách thức khi ngành khách sạn, du lịch là đối tượng chịu tác động tiêu cực trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dù lượng khách du lịch đến Thành phố ghi nhận tăng trưởng trong tháng 1/2020, song dự kiến trong tháng 2-3/2020, hoạt động du lịch của Thành phố sẽ bị sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong quý I/2020 ước khoảng 1,3 triệu lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng khách quốc tế khoảng hơn 700 nghìn lượt, giảm 17,6% so với quý I/2019.
Công suất buồng phòng bình quân của khối lưu trú hiện nay chỉ đạt 25 - 30%, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến trong tháng 3/2020, tình hình còn kém khả quan hơn với lượng khách hủy đặt phòng cao hơn, công suất buồng phòng sẽ chỉ đạt 20 - 25%.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ