Siết chặt công tác quản lý, xử lý sai phạm
Ngày 21/5, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo gửi tới các Sở, ngành liên quan trên địa bàn về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Theo đó, Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh và UBND các quận, huyện trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…, để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất.
|
Khu đất xây dựng dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư vẫn bỏ trống nhiều năm nay. |
Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở TN&MT và UBND các quận, huyện công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Dự án chậm tiến độ khiến người dân sống khổ
Tình trạng dự án bất động sản chậm tiến độ là vấn đề nóng của TP.Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, đẩy người dân sống cạnh các khu vực đó rơi vào cảnh sống khổ vì không biết khi nào căn nhà của mình mới được giải tỏa.
Đơn cử như dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư, xây dựng tại phường An Phú, quận 2 đã chậm tiến hộ hơn 3 năm nay mà không có dấu hiệu xây dựng.
Năm 2018, dự án này được coi là công trình trọng điểm của Đất Xanh Group với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng. Giai đoạn 30/7 - 25/9/2019, Đất Xanh Group từng phát hành cổ phiếu huy động gần 875 tỉ đồng để đầu tư cho dự án.
Thế nhưng sau khi công bố, dự án đã không thể triển khai thi công do vướng pháp lí, nhiều khách hàng cho biết đã nộp cọc mua dự án mắc kẹt. Nhiều khách hàng phải đi vay lãi ngân hàng lấy tiền đặt cọc mua căn hộ tại dự án Gem Riverside đang mòn mỏi chờ đợi dự án được bàn giao. Nhưng từ đó đến nay, thông tin về pháp lí của cũng như tiến độ hoàn tiền cho khách hàng đặt cọc tại dự án này là một dấu hỏi.
Nhiều khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội ở Vĩnh Lộc A (Hương Lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM ), do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Nhân (Công ty An Nhân) làm chủ đầu tư cho biết, họ rất mệt mỏi vì đợi chờ nhận nhà quá lâu với nhiều lần thất hứa từ chủ đầu tư.
Các khách hàng cho biết, họ ký hợp đồng mua bán từ tháng 7/2018 và theo hợp đồng, Công ty An Nhân sẽ bàn giao nhà vào quý 2/2019 và thanh toán theo tiến độ dự án. Khách hàng đã đóng hơn 50% số tiền tuy nhiên đến hẹn dự án vẫn xây chưa xong.
Lý do ban đầu chủ đầu tư đưa ra là do có vấn đề về pháp lý dự án và đề nghị khách hàng ký lại hợp đồng. Theo hợp đồng mới, Công ty An Nhân cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý 1/2020. Khách hàng phải đóng thêm 10% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, kể từ đó dự án xây dựng rất chậm. Đến hạn bàn giao căn hộ dự án vẫn chưa xong.
Người dân sống tại khu Thanh Đa - Bình Quới phải chịu khổ hàng chục năm qua vì dự án "treo".
Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh do Tập đoàn Bitexco cũng đã bị chậm tiến độ suốt 20 năm qua. Trong đợt tiếp xúc với Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong hồi giữa tháng 5/2021, nhiều người dân sống tại khu vực này giãy bày sự khổ cực của mình khi không dám sửa chữa nhà cửa vì không biết sẽ bị giải phóng mặt bằng bất cứ lúc nào và kiến nghị, Thành phố sớm giải quyết.
Ngoài Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, các dự án “treo” khác của Tập đoàn Betexco tại TP.Hồ Chí Minh phải kể đến như Khu tứ giác Bến Thành tọa lạc tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 và dự án Thanh Đa - Bình Quới.
Bà Châu Thị Hoa, người dân sống tại khu Thanh Đa - Bình Quới gần 30 năm nay chia sẻ: “Dự án "treo" đang làm khổ dân. Ở đây nhà xuống cấp liên tục vì triều cường, mỗi lần tôi xin sửa chữa nhà do mưa dột rất khó khăn vì làm đơn phải chờ 3-4 tháng mới được chấp thuận nếu nhà có giấy tờ pháp lý, không có giấy tờ thì còn khó hơn nữa”.
Không chỉ vướng mắc trong cải tạo nhà, nhiều hộ dân tại bán đảo Thanh Đa - Bình Quới không thể bán đất, cũng chẳng thể xây nhà; Không thể chia đất cho con hay mở quán buôn bán. Chờ quy hoạch từ năm 1992 tới nay, ông Võ Công Hùng (ngụ tại hẻm 434 Bình Quới, quận Bình Thạnh) rất bức xúc khi không thể làm gì trên chính mảnh đất của mình. Cả 3 thế hệ trong gia đình ông Hùng đang sống trong căn nhà nhỏ, cải tạo đã khó, tính toán để xây mới lại càng không thể.
Cần chế tài mạnh trong thực thi quy hoạch
Nói về việc giải quyết các dự án "treo" tại TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: Mặc dù Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nhiều văn bản pháp luật về đất đai khác quy định rất rõ dự án chậm triển khai phải bị thu hồi; Thế nhưng, nếu dự án chậm triển khai mà không bị thu hồi thì ai phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến mức độ nào… gần như chưa được quy định. Có lẽ vì vậy mà nhiều dự án cứ “treo” mấy chục năm.
Theo tôi, Nhà nước cần quy định rõ hơn trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về ai, cơ quan nào. Nếu cá nhân, đơn vị có trách nhiệm nhưng không thực thi trách nhiệm thì phải chịu kỷ luật, hoặc nặng hơn thì bị truy tố trước pháp luật. Và để người dân có thể giám sát, ngành chức năng nên công khai chi tiết về các dự án đã được cấp phép, tiến độ thực hiện và thời gian dự án phải hoàn thành.
Về phần mình, ngành chức năng cần thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến dự án trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt nhất, nhanh nhất dự án. Quan trọng hơn nữa, ngành chức năng nên kiểm tra kỹ năng lực thực thi của chủ đầu tư trước khi giao dự án. Trên thực tế đã có nhiều dự án chậm triển khai do năng lực của nhà đầu tư
Theo Tạp chí Kinh tế và Môi trường