Dự án ICID Complex (Lô C37 đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng (ICID) làm chủ đầu tư.
Mòn mỏi đợi sổ hồng
Vào cuối năm 2019, dự án trên đã nhiều lần bị dân cư "tố" vì chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng dù chưa đi vào hoạt động nhưng đã có hiện tượng nhiều mảng tường xuống cấp, nứt, vỡ.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, người dân tại đây còn cho biết chưa nhận được sổ hồng dù đã nhận nhà từ lâu. Cụ thể, phản ánh đến Môi trường và Đô thị Việt Nam, cư dân trong tòa nhà ICID Complex cho biết: "CĐT đã cho dân vào ở từ tháng 9/2019 nhưng đến thời điểm hiện tại cư dân trong tòa nhà chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng).
Theo quy định, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ cho người mua (đối với trường hợp mua nhà chung cư) thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua... nhưng đến nay CĐT vẫn chưa bàn giao cho dân".
|
Đặc biệt, theo chế tài hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng. Chế tài xử phạt rõ ràng nhưng đến nay nhiều chung cư để cư dân dài cổ chờ "sổ đỏ" mà chưa bị xử phạt.
Liên quan đến vấn đề tồn đọng chưa cấp sổ hồng, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho hay Điều 57 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã quy định việc thanh toán thuê mua BĐS tối đa không quá 95% giá trị hợp đồng cho đến khi chưa bàn giao sổ cho người mua.
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm giao sổ cho người mua theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Bên mua nhà có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện các cam kết trong hợp đồng, trong đó có việc chậm bàn giao sổ hồng. Người dân cũng có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án khi chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.
Trong trường hợp chủ đầu tư chậm trễ hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận, chế tài xử phạt, mức phạt sẽ phụ thuộc vào thời gian và số lượng hộ gia đình, cá nhân bị chậm cấp. Cụ thể, chậm cấp sổ từ 3 – 6 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 50-100 triệu đồng; từ trên 12 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 0,5 – 1 tỷ đồng.
Để tránh khỏi các dự án chậm bàn giao sổ, luật sư Nguyễn Hồng Bách khuyến cáo người dân nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, khảo sát thông tin từ những người đang sinh sống ở dự án đó, hoặc tham khảo thông tin từ các luật sư để nắm rõ các quy định của pháp luật trước khi quyết định mua căn hộ.
Chưa nghiệm thu PCCC gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân
Tai tiếng tại dự án ICID Complex không dừng lại ở việc chậm cấp sổ hồng, mà trước đó, theo thông tin phản ánh từ Kinh tế Đô thị, hàng trăm khách hàng mua sản phẩm tại dự án ICID Complex đã từng kéo đến trụ sở Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (ICID) tại số 157 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) để phản đối việc chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết với khách hàng về việc bàn giao nhà, công trình không đảm bảo chất lượng và tự ý đề ra việc thu phí dịch vụ không hợp lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư luôn tìm cách lảng tránh, không hợp tác.
Thậm chí Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết như chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, hạ tầng điện nhưng đã cho dân vào ở. Hệ thống PCCC thường xuyên xuất hiện tình trạng lỗi, chuông báo cháy kêu liên tục nhiều lần trong ngày khiến cư dân sống tại chung cư không thể xác định được khi nào sự cố cháy nổ xảy ra khiến tâm lý của người dân hoang mang.
Đại diện công ty cho biết CĐT đang gấp rút hoàn thiện tất cả hạng mục để đảm bảo cuộc sống cho cư dân. Thế nhưng đã gần 1 năm trôi qua tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
|
Dự án ICID Complex bị 'tố' vì chưa hoàn tất các hạng mục hạ tầng đã cho dân vào ở. |
Tình trạng chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã cho dân cư vào ở không phải tình trạng hiếm gặp. Tại Hà Nội, đầu năm 2019, cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức kiểm tra hơn 1.500 cơ sở, qua đó phát hiện 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn. Đáng chú ý, trong danh sách này có nhiều công trình chung cư, nhà cao tầng đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân vào sinh sống.
Có thể kể ra một số cái tên như: Chung cư HH1 - HH2, ngõ 102 Trường Chinh do Công ty Cổ phần cơ điện xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư; Công trình nhà ở kết hợp dịch vụ ở 75 Phương Mai của Công ty TNHH Bảo Long; Chung cư M5; Chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh; Tòa nhà 24 T3 số 6 Lê Văn Thiêm của Công ty Cổ phần phát triển Thanh Xuân; Tòa nhà Zen Tower, ngõ 1 Khuất Duy Tiến Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển số 8 làm chủ đầu tư...
Việc chưa hoàn thiện cơ sở vật chất và PCCC mà chủ đầu tư đã cho cư dân vào ở khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Trước tình trạng trên, ngoài trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi, rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ