Dịch Covid khiến thị trường ngủ đông
Trong nhiều báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, thì thị trường bất động sản đang ở trạng thái “ngủ đông” khi các hoạt động giới thiệu sản phẩm, mở bán… đều bị hoãn hoặc hạn chế tối đa
Bất động sản là lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn, với mỗi dự án từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng đang gánh chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ trong đại dịch. Những tác động kép ấy tác động lên thị trường kinh doanh nói chung, cũng như trong khía cạnh nguồn vốn nói riêng, đặc biệt ở các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, TTTM, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê...
Hàng chục dự án bị “tê liệt” hoàn toàn, gần như “chết lâm sàn”, nguy cơ đẩy một số doanh nghiệp yếu tài chính đi đến bờ vực phá sản. Còn khách hàng có nhu cầu mua ở, giới đầu tư BĐS chủ động tiếp cận… đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng khó khăn, nhiều nhân viên môi giới không muốn cuộc sống trôi theo nguồn dịch, họ chủ động chuyển sang mưu sinh bằng các nghề mới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Thế nhưng, dù thị trường đang “đóng băng” nhưng theo ông Đính giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4/2019.
Những dự án chung cư mở bán đợt kế tiếp trong quý I/2020 đều giữ nguyên giá hoặc có mức giá cao hơn từ 2-5% so với quý 4/2019. Đơn cử, ngay trên trục đường Tố Hữu, nhiều dự án vẫn đang rao bán từ 25-30 triệu đồng/m2, một số dự án khác đã tăng 1-1,5 triệu đồng/m2 so với quý trước đó. Tại Nam Từ Liêm, các dự án cao cấp trên các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm và Mễ Trì vẫn “ngất ngưởng” với mức giá từ 40-52 triệu đồng/m2. Tại quận Cầu Giấy, giá bán một dự án mới ra hàng năm ngoái trên đường Cầu Giấy vẫn trên 40 triệu đồng/m2.
Nói về kịch bản giảm giá nhà, đại diện CBRE cho rằng nếu đại dịch được kiểm soát vào tháng 6 thì giá nhà sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng cao, thậm chí vẫn có thể tăng 5% so với năm 2019. Nếu đại dịch kéo dài đến tháng 9, nguồn cung sẽ giảm mạnh, chỉ bằng 40% so với năm 2019, khi đó, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp dự kiến giảm trung bình 6% so với năm trước.
"Trong tình huống xấu hơn, đến tháng 9 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát mà vẫn kéo dài (dù khả năng xảy ra khá thấp) thì khi đó thị trường bất động sản sẽ phải thiết lập cơ chế mới để thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt và khác thường. Dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, tác động đến khả năng chi trả. Thời điểm này buộc các chủ đầu tư phải có động thái cơ cấu lại sản phẩm chọn phân khúc thấp hơn, diện tích nhà nhỏ lại để giá thành dễ chi trả hơn. Khi đó, thị trường thứ cấp có thể cũng sẽ xuất hiện tình trạng giảm giá, cắt lỗ căn hộ ở các phân khúc", đại diện CBRE nhận định
Tuy nhiên “Đến nay thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường”
|
Giá nhà vẫn tăng giữa dịch COVID-19
Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019
Về lượng giao dịch nhà đất tổng hợp từ 34/63 tỉnh thành, quý I/2020 có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Đối với bất động sản công nghiệp thì giá vẫn tăng trung bình 6,2%, giá bất động sản du lịch không thay đổi so với năm 2019. Giá văn phòng cho thuê trong 3 tháng đầu năm 2020 chưa ghi nhận có điều chỉnh giảm nhiều. Đối với thị trường mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 10-30% so với giá thuê trước đây.
Riêng tại Hà Nội có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý IV/2019), tại TP.HCM có 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý IV/2019).
Qua tổng hợp cho thấy lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 04 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nguồn cung nhà ở quý I/2020 khá hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng nguồn cung nhà ở giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số 9.414 căn nhà; trong đó có 8.878 căn hộ chung cư, 536 căn nhà thấp tầng.
Tại TP.HCM có 10 dự án, với tổng số 2.816 căn nhà; trong đó có 2.736 căn hộ chung cư, 80 căn nhà thấp tầng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp.
Trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ