Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của CEO Group lấn biển, dân bức xúc?

Hạ Hoàng (TH)/Sở hữu Trí tuệ 17:25 30/12/2019

Quá trình triển khai đầu tư các dự án lớn tại Vân Đồn đã phát sinh nhiều vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vấn đề môi trường, nhất là những dự án chưa đủ điều kiện...

Theo những người dân nơi đây, từ khi Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi vào xây dựng, rất nhiều vụ tai nạn, va chạm giữa xe tải với phương tiện và người dân đã xảy ra.

Trời nóng thì bụi bặm không ai dám ngồi ngoài đường, trời mưa thì trơn trượt đi lại rất dễ xảy ra tai nạn.

Nhiều người dân cho rằng, đây là dự án lớn và do doanh nghiệp tư nhân triển khai nên để bảo đảm an toàn cho người dân thì phải có tuyến đường riêng.

Sonasea Vân Đồn

Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Anh - Chủ tịch UBND xã Hạ Long xác nhận về việc nhiều xe chở đất cho Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của người dân. Theo bà Anh, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chính quyền địa phương cũng đã báo cáo lên UBND huyện Vân Đồn, cũng như kết hợp với các lực lượng chức năng khác để chấn chỉnh tình trạng này.

Bà Anh cũng nói thêm, đúng là có vụ tai nạn giao thông gây chết người nhưng bà phủ nhận việc xe tải chở đất tại Dự án cho CEO group gây ra.

Thông tin phản ánh cho biết, hoạt động hút cát trong lòng dự án để bơm ra biển đã diễn ra nhiều tháng nay. Qua quan sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại thời điểm cuối tháng 7/2019, trong khu vực Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có nhiều máy hút cát công suất lớn đang làm việc. Các máy hút này đưa cát từ trong lòng dự án chuyển ra phía ngoài kè đá để lấn biển. Dọc tuyến kè dài hơn 1km đã xuất hiện nhiều đụn cát trắng mới được hình thành, đồng thời, từng vùng nước đỏ đã bắt đầu lan tỏa có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường biển nơi đây. Thông tin trên báo TTTĐ cho biết.

Trước việc đổ hàng triệu khối đất đỏ ra lấp biển, cũng như hút cát trắng để bồi đắp biển của CEO group tại xã Hạ Long, nhiều người tỏ ý lo ngại về môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 thì với Dự án có lấn biển từ 20ha trở lên, thẩm quyền phê duyệt Báo cáo tác động môi trường là của Bộ TNMT, vậy UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt ĐTM căn cứ vào đâu để phê duyệt cho một dự án rộng 67ha vừa lấn biển, vừa lấy đất rừng?

Với quy mô dự án lên đến hàng trăm hecta, cùng với việc đổ hàng triệu khối đất đỏ ra lấp biển, cũng như hút cát trắng để bồi đắp bãi tắm nhân tạo, dư luận tỏ không đồng tình với việc UBND tỉnh Quảng Ninh khi ra Quyết định phê duyệt ĐTM cho dự án này. Bởi căn cứ theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, thì dự án có lấn biển từ 20ha trở lên hoặc tổng dự án từ 200ha trở lên thì trách nhiệm, thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM phải là của Bộ TN&MT. Việc CEO group xé nhỏ dự án và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ĐTM cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City liệu có đúng thẩm quyền?

TS Phạm Khang, Tổng thư ký Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam khẳng định: “Không được chia nhỏ dự án và cấp riêng ĐTM cho từng dự án được, mà phải thẩm định và cấp ĐTM cho cả dự án. Một bộ hồ sơ dự án bao giờ cũng có báo cáo nghiên cứu khả thi, có thiết kế cơ sở. Bây giờ các hạng mục trong dự án mà bị chia nhỏ ra thì sai pháp luật và không đúng với yêu cầu của đánh giá tác động môi trường. Hai nữa là Nghị định chính phủ đã phân cấp, đối với dự án quy mô như thế nào thì cấp trung ương thẩm định, quy mô nhỏ hơn thì cấp địa phương thẩm định, nếu chia nhỏ ra thì làm sao đúng với phân cấp của nhà nước(?). Chỉ có thể cấp ĐTM riêng cho dự án nhỏ khi dự án đó có hồ sơ nghiên cứu khả thi có thiết cơ sở, có quyết định đầu tư dự án cụ thể và dự án đó được triển khai với mục đích cụ thể”.

Sonasea Vân Đồn của CEO từng được Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh tới thị sát

Đối với vấn đề khai thác khoáng sản (cát trắng trong dự án), GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Liên quan đến vấn đề biển và sông thì Bộ TN&MT phải thẩm định và cấp ĐTM, còn việc khai thác cát trắng cũng bắt buộc phải làm thủ tục khai thác khoáng sản. Kể cả việc khai thác khoáng sản trong phạm vi một dự án cũng phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Việc phân cấp và quản lý này cũng giống như một dự án thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt công suất, Bộ TN&MT thẩm định và cấp ĐTM, còn khai thác nước thì Cục Quản lý khai thác nước (thuộc Bộ TNMT) cấp phép”.

Theo Nghị quyết 64 /NQ-HĐND ngày 11/7/2012 do Chủ tịch Nguyễn Đức Long kí thì “chủ trương hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, không san đồi lấp biển. Đối với các dự án đã và đang thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch tổng thể, thiết kế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật pháp”. Tờ Người Hà Nội cho hay.

Hiện trạng mặt bằng cho thấy, chủ đầu tư đang triển khai các hạng mục xây dựng khách sạn, san lấp biển với quy mô lớn thuộc Dự án đầu tư Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1. Việc san lấp biển với quy mô lớn khiến dư luận ngạc nhiên vì từ năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết, chủ trương hạn chế các dự án san đồi, lấp biển.

Theo Kinh tế môi trường, đến thời điểm này báo cáo ĐTM của dự án tổng Sonasea Vân Đồn vẫn chưa được Bộ TN-MT phê duyệt nhưng hoạt động thi công dự án đã diễn ra rầm rộ từ hơn một năm trước (năm 2018). Hơn thế, CEO Group sau khi thâu tóm quỹ đất 100 ha của dự án cũ chậm tiến độ, đã xin tăng quy mô lên 358,35 ha, thì diện tích lấn biển, đất rừng, đất nông nghiệp…có thể tăng vượt 20 ha và không thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của địa phương.

Nhưng trong "cái khó, ló cái khôn", tỉnh Quảng Ninh đã có cách làm sáng tạo là chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn theo từng phân khu, "xé" nhỏ diện tích đất mặt nước dưới 20 ha để báo cáo ĐTM của CEO Group được xử lý phê duyệt ở địa phương, thay vì phải chờ thủ tục phê duyệt bắt buộc ở cấp Bộ TN-MT theo Nghị định 18.

Liệu rằng hàng nghìn dự án lấn biển, lấn vịnh ở nhiều địa phương khác có thể "học" cách làm của tỉnh Quảng Ninh để chia nhỏ dự án thành nhiều phân khu, lập báo cáo ĐTM từng phần để cấp UBND tỉnh phê duyệt giúp doanh nghiệp thi công dự án sớm, song song với việc lập báo cáo DTM tổng thể dự án để trình cấp Bộ TN-MT phê duyệt sau đó? Phải chăng cách làm "lách" luật này đã giúp nhiều chủ dự án chưa đủ các điều kiện pháp lý về đất đai, môi trường vẫn ngang nhiên thi công lấn biển, bạt rừng xâm hại môi trường mà không lo bị "tuýt còi" vì vi phạm Nghị định 18?

Câu hỏi đặt ra là, sự vận dụng "sáng tạo" quy định pháp luật theo hướng có lợi cho doanh nghiệp như ở Vân Đồn, chính quyền tỉnh Quảng Ninh có dành riêng cho CEO Group hay với nhiều chủ dự án khác để tạo kẽ hở pháp lý mà nhóm lợi ích có thể thao túng lấy quỹ đất lớn, bất chấp vi phạm quy hoạch xây dựng, đất đai, xâm hại môi trường?

Bạn đang đọc bài viết Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của CEO Group lấn biển, dân bức xúc? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Theo phê duyệt, khu đô thị tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có diện tích khoảng 300ha, thuộc các xã Phương Liễu, Nhân Hòa và Đại Xuân. Dự kiến, dân số của khu đô thị vào khoảng 25.000 - 45.000 người.
Tin tức mới nhất