Đại công trường lấp hồ
Trực tiếp có mặt khảo sát tại khu dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên), PV Báo Lao Động ghi nhận, chủ đầu tư - Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàg Gia, đang làm hạ tầng dự án.
Hàng chục máy xúc, máy ủi đang thi công, san lấp hồ, tạo mặt bằng xây dựng khách sạn, khu biệt thự và đường phục vụ cho chuỗi tổ hợp. Những gầu đất đá từ máy xúc, xe ủi chuyên dụng như muốn “nuốt chửng” từng mét mặt Đầm Vạc và một số hồ lân cận.
Ông Trường - người dân sống 50 năm ở phường Đống Đa cho biết, khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc thi công được gần năm nay. Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải chở đất đi vào công trường để làm dự án. Những chiếc xe chở đất chạy rầm rầm, bụi trên xe bay tứ tung, không được che chắn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
"Hàng loạt xe ben chạy rầm rầm, còi xe inh ỏi, gây bụi bặm ngày đêm, người dân sống gần khu công trường như chúng tôi chịu hết nổi" - ông Trường nói.
Hướng mắt về một hồ nhỏ, giáp mặt đường Kim Ngọc, bà Sáu (phường Đống Đa) ngậm ngùi: “Khu vực hồ mà Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia đang đổ đất là hồ Bờ Trang (ngoài), đây là một phần của Đầm Vạc.
Hồ vốn đã nhỏ, nay lại bị san lấp để làm dự án, không biết tới đây sẽ như thế nào. Việc lấp hồ như vậy là không chấp nhận được".
Lấp hồ hay lấp mặt nước?
Trao đổi với Lao Động, ông Tạ Đức Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia thừa nhận có việc lấp đất lên “diện tích mặt nước” mà người dân cho rằng đó là hồ Bờ Trang.
Song, ông Cường khẳng định, đây không phải Đầm Vạc mà là diện tích đất canh tác của người dân địa phương, chủ đầu tư thu hồi đất khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường cho người dân.
“Diện tích mặt nước này, trước đây là đất nông nghiệp của người dân. Họ trồng một vụ lúa và nuôi cá một vụ. Sau đó, một người dân địa phương đứng ra thầu ruộng này để nuôi cá nhưng vẫn giữ cốt hiện trạng ban đầu.
|
|
Công ty Sông Hồng Hoàng Gia đổ đất lấp diện tích mặt nước mà người dân địa phương cho rằng đó là hồ Bờ Trang (một phần của Đầm Vạc). Ảnh: PV |
Khi được phê duyệt thực hiện khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc, chúng tôi thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng cho dân” - ông Cường nói, đồng thời khẳng định phần diện tích mặt nước này “không thuộc phạm vi Đầm Vạc”.
Khi được hỏi: “Điều 41, Luật Thuỷ lợi 2017 quy định phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi: Tổ chức cá nhân khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi. Khi khai thác các dự án lớn, cần lưu ý bảo vệ các công trình thuỷ lợi lân cận. Việc đổ đất xuống phần diện tích mặt nước như vậy không phù hợp với các quy định của pháp luật?".
Ông Cường cho hay, chủ đầu tư bỏ tiền ra đền bù cho dân, thu hồi đất thì được phép làm. “Trong quy hoạch khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc, chỗ nào làm nhà, chỗ nào làm hồ, chỗ nào làm trường học, chúng tôi phải tính toán hợp lý. Ruộng của dân, chúng tôi mua, chúng tôi nuôi cá để làm gì, chúng tôi phải làm dự án chứ”, ông Cường khẳng định.
Sai quy hoạch?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại thành phố Vĩnh Yên (lần 2) ngày 30.6.2020, mục 6.1 Tổng mặt bằng sử dụng đất nêu rõ, phần diện tích đất cây xanh, mặt nước được điều chỉnh từ 93.327m2 (đã phê duyệt điều chỉnh lần 1) tăng lên 98.578,3m2 (điều chỉnh lần 2), tăng 5.251,3m2 (tăng 18,57%).
Trước đó, tại Tờ trình Phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Xây dựng đề nghị phần diện tích cây xanh, mặt nước phải tăng từ 93.327m2, tăng lên 99.537m2.
Việc chủ đầu tư lấp phần diện tích mặt nước như vậy có phù hợp với các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc?
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng - cho biết: Hệ thống các sông, hồ giữ vai trò điều hòa dòng chảy và trao đổi vật chất với môi trường không khí xung quanh.
Toàn bộ diện tích đất ngập nước được coi là giai đoạn đầu của loạt diễn thế sinh thái đất ngập nước. Xét về giá trị tài nguyên, chúng là những hệ sinh thái quý giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người trong khu vực.
Chính vì vậy, khi làm dự án khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc, chủ đầu tư cần phải làm theo hiện trạng thực tế, không phải cứ bồi thường cho người dân là được đổ đất, lấp diện tích mặt nước để phân lô bán nền.
Để làm rõ đúng sai, cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc, không để xảy ra những vi phạm như với hồ Đại Lải cũng trên địa bàn tỉnh này.