Trước những biến động của thị trường trong nước và thế giới, các chuyên gia đưa ra 3 nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam 2020 gồm: Ổn định; tích cực; tiêu cực. Trong đó, kịch bản thị trường ổn định và có đi lên, với giả thiết là tình hình thế giới không biến động xấu – nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự đoán có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Năm 2019 tiếp tục cho thấy những chuyển biến của thị trường theo hướng tiệm tiến ngoại suy của các năm trước. Nguồn cung của thị trường có dấu hiệu suy giảm. Một số yếu tố mới đã xuất hiện, tác động đến sự phát triển của các phân mảng thị trường trong năm 2020. Thị trường bất động sản đang trong quá trình phát triển lên cấp độ tài chính hóa.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2020, PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho biết: Thị trường sẽ theo 3 kịch bản chính. Cụ thể, kịch bản chiếm ưu thế là kịch bản ổn định, có đi lên, với giả thiết là tình hình thế giới không biến động xấu – nhất là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế thế giới xấu đi, luồng tài chính quốc tế biến động theo hướng vốn rút khỏi Việt Nam thì mới có thể xảy ra tình huống đi xuống của thị trường bất động sản Việt Nam.
|
3 kịch bản thị trường bất động sản năm 2020 |
Kịch bản thứ hai, kịch bản tích cực. Đó là tình hình kinh tế thế giới vận hành theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Các hiệp định Việt Nam kí kết với các nước EVFTA, CPTPP, AEC… triển khai tốt. Luồng vốn vận hành vào nhiều hơn. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ diễn biến tốt đến rất tốt. Khả năng này có thể xảy ra, tuy không lớn nhưng vẫn có khả năng.
Kịch bản thứ ba, kịch bản tiêu cực. Tình hình kinh tế thế giới biến động không thuận. Luồng vốn rút khỏi Việt Nam. Thị trường sẽ biến động tiêu cực. Kịch bản này ít có khả năng xảy ra nhất, nhưng không phải không thể.
Khuyến nghị chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng, cần có những điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, như với Luật Quy hoạch mới, để đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, phát triển kinh tế đảm bảo bền vững cần nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch (2017; thống nhất các vấn đề có liên quan về Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quản lý phát triển đô thị (sắp ban hành), Luật Nhà ở (2014), Luật Kinh doanh bất động sản (2014) và Luật Đất đai (2013).
Bên cạnh đó, cần khẩn trương nghiên cứu trình ban hành Luật Đất đai sửa đổi Luật Đất đai 2013 với các định hướng về giao đất, cho thuê đất, đăng kí, thống kê, định giá, áp giá theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0. Đặc biệt đưa vào vận dụng đầy đủ 5 phương pháp truyền thống về định giá bất động sản.
PGS. TS Trần Kim Chung cũng kiến nghị, cần nghiên cứu trình ban hành hệ thống pháp lý đối với condotel, oficetel. Ít nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về loại hình bất động sản này phải giải quyết được các vấn đề: Sở hữu tài sản như thế nào? Giao dịch sản phẩm này như thế nào? Lợi ích của các bên được điều chỉnh thế nào? Nếu không thỏa mãn được việc phân chia lợi ích thì giải quyết như thế nào? Phân chia các chi phí có liên quan đến bảo quản, vận hành sản phẩm này như thế nào? Phân chia các chi phí sửa chữa lớn như thế nào?
Đối với bất động sản công nghiệp, cần tập trung tháo gỡ những rào cản tiếp cận đất đai của các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tiếp cận đất dự án. Đồng thời, xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng. Giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan đến hạ tầng ngoài hàng rào bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, tiến dần đến cơ chế đấu thầu quyền sử dụng đất, dần xóa bỏ triệt để chỉ định giao đất.
Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài chính phái sinh bất động sản. Rà soát, chế tài các dự án bất động sản chậm triển khai hoặc không triển khai để thu hồi nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế. Thử nghiệm và đưa vào thực hiện các cơ chế đặc thù đối với thị trường bất động sản. Thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tăng cường đầu tư phát triển cơ sơ hạ tầng. Đặc biệt, 4 loại cơ sở hạ tầng có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ để vượt qua bẫy thu nhập trung bình gồm: hệ thống đường cao tốc quốc gia; hệ thống sân bay quốc tế và trong nước; hệ thống cảng biển quốc tế; hệ thống hạ tầng đô thị.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử