Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - cho biết tổ chức này đã nâng báo động toàn cầu của dịch COVID-19 lên mức "rất cao", khẳng định WHO không hề đánh giá thấp dịch bệnh.
"Chúng tôi đã tăng mức đánh giá về nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên mức rất cao ở quy mô toàn cầu" - ông Tedros cho biết, nhấn mạnh đây là mức đánh giá rủi ro cao nhất của WHO về dịch bệnh.
|
Nói về nguyên nhân của quyết định trên, Phó Tổng Giám đốc WHO Mike Ryan cho biết: "Việc nâng mức báo động phản ánh đúng điều gì đang xảy ra ở quy mô toàn cầu: ngày càng nhiều quốc gia phải vật lộn với việc ngăn chặn dịch bệnh, và vì thế chúng tôi phải nâng mức báo động". Ông Tedros cho biết việc số ca nhiễm và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng liên tục trong những ngày vừa qua là một dấu hiệu "đáng lo ngại rõ ràng".
Ông Tedros cảnh báo tất cả các quốc gia phải chuẩn bị sẵn sàng cho các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. "Không một nước nào chủ quan rằng họ sẽ miễn nhiễm. Đó có thể là sai lầm chết người. Virus này không có biên giới".
Hiện tại, dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại gần 60 quốc gia, với gần 84.000 ca mắc. New Zealand, Belarus, Litva, Nigeria và Mexico là những quốc gia mới nhất ghi nhận có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Theo hãng tin Reuters, chỉ từ ngày 27-2 đến ngày 28-2, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã tăng thêm 571 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.337. Trong cùng khoảng thời gian trên, Ý đã ghi nhận thêm 202 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 655 người.
Song, ông Tedros cũng cho rằng hiện dịch bệnh vẫn còn có thể ngăn chặn được khi phần lớn các ca nhiễm đều bắt nguồn từ việc có tiếp xúc với người nhiễm; hoặc có liên hệ với những người nhiễm bệnh trước đó.
ông Tedros và các chuyên gia của WHO trấn an rằng những gì đã diễn ra tại Trung Quốc cho thấy dịch COVID-19 có thể được khống chế, các bệnh nhân có thể được điều trị.
"Hơn 20 loại văcxin và thuốc điều trị đang được phát triển, thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Chúng ta có thể hi vọng sẽ có kết quả tốt đẹp trong vài tuần nữa", ông Tedros khẳng định. Trong một báo cáo được công bố cùng thời điểm với cuộc họp báo, WHO cho rằng cộng đồng quốc tế chưa thực sự sẵn sàng áp dụng các biện pháp ngăn dịch như Trung Quốc đã làm.
"Đây là những biện pháp duy nhất cho thấy đủ sức làm gián đoạn hoặc giảm thiểu chuỗi lây nhiễm ở người", báo cáo của WHO nhấn mạnh.
"Nội dung cơ bản của các biện pháp này là giám sát cực kỳ chủ động để phát hiện ngay các trường hợp, chẩn đoán rất nhanh và cách ly trường hợp ngay lập tức, theo dõi chặt chẽ và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần", một đoạn trong báo cáo nêu rõ.
Theo WHO, các biện pháp ở Trung Quốc nhận được sự hưởng ứng và chấp nhận vì người dân hiểu cần phải làm như vậy để ngăn chặn dịch.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ