Hành trình của chuỗi sai phạm
|
- |
Ngoài ông Tất Thành Cang, có 3 trong số 9 bị can nguyên cán bộ quản lý, lãnh đạo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh gồm: Ông Phạm Văn Thông, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy; Ông Huỳnh Phước Long, cựu trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy và ông Phan Thanh Tân, cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy.
Ông Tất Thành Cang và 9 bị can liên quan đều bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí (quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo nội dung vụ án, dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được ban Tài chính quản trị Thành ủy (nay là Văn phòng Thành ủy) chấp thuận chủ trương cho đầu tư. Tháng 11/2000, công ty Tân Thuận được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án này.
Bảy năm sau, UBND huyện Nhà Bè phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 dự án Phước Kiển. Đến tháng 8/2009, UBND Tp. Hồ Chí Minh có công văn chấp thuận địa điểm cho công ty Tân Thuận đầu tư dự án Phước Kiển, tổng diện tích là 509.214m2 thời hạn đến 10/8/2010 và được gia hạn lần cuối đến 31/12/2013.
Tuy nhiên, khi hết hạn thực hiện dự án, công ty Tân Thuận mới chỉ hiệp thương đền bù được 324.970 m2 đất nên chưa hoàn tất việc bồi thường, lập và trình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và dự án “ngâm” kể từ đó.
Sai phạm trong chuyển nhượng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ
Đến tháng 8/2016, công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với công ty Tân Thuận hoặc xin chuyển nhượng lại 100% dự án Phước Kiển.
Nhận được văn bản từ công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Trần Công Thiện, thành viên Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc công ty Tân Thuận đã chỉ đạo Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp là ông Nguyễn Xuân Tùng thuê công ty kiểm toán thẩm định giá khu đất hơn 32ha (là phần đã được công ty Tân Thuận hiệp thương đền bù xong) tại dự án Phước Kiển.
Mục đích thẩm định là “Tư vấn giá trị đất để phục vụ đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty”.
Công ty Kiểm toán & Dịch vụ tin học Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị được thuê thẩm định giá sau đó đã ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 324.970 m2 đất tại dự án trên có giá bình quân là 1.050.000 đồng/m2.
Ngày 26/4/2017, ông Thiện ký văn bản kiến nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương cho hợp tác với công ty Quốc Cường Gia Lai để triển khai dự án.
Trong cuộc họp của Hội đồng xây dựng giá vào 18/5/2017, ông Trần Công Thiện (Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá) đã cùng với các thành viên hội đồng này thống nhất căn cứ vào giá trong chứng thư thẩm định giá của công ty Kiểm toán và Tin học, làm giá tối thiểu để thương thảo hợp tác là 1.050.000 đồng/m2 và đơn giá chuyển nhượng là 1.250.000 đồng/m2.
Trong các ngày 16/5 và 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy ban hành thông báo, truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang thời điểm đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 324.970 m2 đất tại dự án Phước Kiển cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 5/6/2017, ông Trần Công Thiện, đại diện công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 324.970 m2 đất nêu trên cho công ty Quốc Cường Gia Lai với đơn giá 1.290.000 đồng/m2.
Theo hồ sơ, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán cho công ty Tân Thuận tổng cộng 397 tỷ đồng (bao gồm 374 tỷ đồng tiền chuyển nhượng đất và 23 tỷ đồng VAT).
Văn phòng Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh sau đó yêu cầu công ty Tân Thuận tạm dừng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án Phước Kiển để xem xét lại. Đến ngày 19/12/2017, văn phòng Thành ủy có văn bản để nghị công ty Tân Thuận thỏa thuận lại giá chuyển nhượng.
Sau khi thỏa thuận lại, hai bên điều chỉnh đơn giá lên 1.768.000 đồng/m2.
Dù đã thỏa thuận lại đơn giá chuyển nhượng và tăng so với đơn giá cũ, nhưng thương vụ chuyển nhượng đã không thể “trót lọt” khi Văn phòng Thành ủy xem xét lại và nhận thấy việc ký chuyển nhượng dự án Phước Kiển không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy là trái với quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với Nghị định 44/2014 về quy định giá.
Từ đó, Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên.
Ngày 8/5/2018, hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất nói trên giữa công ty Tân Thuận và vông ty Quốc Cường Gia Lai bị hủy bỏ. Công ty Tân Thuận đã trả lại cho công ty Quốc Cường Gia Lai 394 tỷ đồng nhận trước đó và phải thanh toán thêm 21 tỷ đồng tiền lãi suất.
Nhận thấy có sai phạm nghiêm trọng trong việc chuyển nhượng tại dự án Phước Kiển, Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh vào cuộc thanh tra toàn diện,
Tháng 9/2018, Thanh tra thành phố này ban hành kết luận về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư chuyển nhượng tại dự án Phước Kiển do công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư và chuyển hồ sơ sang Công an Tp. Hồ Chí Minh để điều tra.
Trước đó, ông Tất Thành Cang và 19 đồng phạm, trong đó có Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch SADECO); Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO); Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc công ty TNHH MTV ĐT XD Tân Thuận)… cũng bị đề nghị truy tố trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, ngày 16/5/2017, ông Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.
Ông Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, Người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.
Thương vụ bán cổ phần cho 1 cổ đông không qua đấu giá nói trên cũng không trót lọt khi Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra và phát hiện các sai phạm.
Trong thời gian bị thanh tra, ngày 14/8/2018, công ty SADECO họp Đại hội cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư.
Ngày 17/10/2019, công ty SADECO ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với đối tác với công ty Nguyễn Kim, hoàn trả lại cho công ty Nguyễn Kim 360 tỷ đồng, còn SADECO được nhận lại 9 triệu cổ phần.
Dù hậu quả của vụ án đã được khắc phục, theo cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cũng không phải bồi thường thiệt hại trong vụ án này. Tuy nhiên, do hành vi phạm tội của ông Cang và đồng phạm đã hoàn thành nên việc đề nghị truy tố là có căn cứ.
Theo đó, ông Tất Thành Cang và 19 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.