Không để doanh nghiệp phải “trả giá” cho quyền kinh doanh chính đáng

DTVN 08:36 12/10/2022

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn có liêm chính cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì vấn đề liêm chính trong bộ máy Nhà nước cũng phải được đề cao.

Quy định phải được thực hiện nghiêm

Chia sẻ tại Hội thảo “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” sáng 11/10, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc sau gần 4 thập kỷ Đổi mới.

Thời kỳ trước đổi mới nhu cầu kiếm sống mưu sinh buộc những người buôn bán kinh doanh làm ăn bất chấp. Nhưng khi bắt đầu có đổi mới, công nhận và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời năm 1990, 1991 đã bước đầu tạo nền tảng chính danh cho doanh nghiệp hoạt động.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi xã hội phát triển, cuộc sống, quan hệ xã hội mở rộng thì các yêu cầu với doanh nghiệp ngày càng nhiều, càng đa dạng, không chỉ từ góc độ pháp luật, khách hàng mà từ những người tiêu dùng quan tâm đến cuộc sống chung đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng, chưa kể Việt Nam đang bước sâu vào quá trình hội nhập với tất cả tiêu chuẩn từ quốc tế.

Cho rằng, đội ngũ doanh nhân đã hiểu và cố gắng đáp ứng những yêu cầu đó, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy không ít chuyện “lùm xùm”.

“Gần đây những câu chuyện nghiêm trọng khiến Nhà nước phải “ra tay” với những người tưởng chừng đã đạt chuẩn mực, những lĩnh vực cần đặt tiêu chí đạo đức lên hàng đầu như y tế, giáo dục…. báo động về đạo đức kinh doanh khiến chúng ta phải xem lại nền tảng đạo đức xã hội”, bà Chi Lan nói, đồng thời khẳng định nền tảng đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại hội thảo.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia này cũng cho rằng yếu tố liêm chính phải bắt đầu từ những người công chức, tránh việc “đòi hỏi” để người kinh doanh phải “trả giá” cho quyền được kinh doanh chính đáng. Muốn có liêm chính cho doanh nghiệp thì liêm chính trong bộ máy Nhà nước phải được đề cao.

“Những quy định thể chế phải được thực hiện nghiêm, những chuẩn mực của chúng ta thực sự vẫn quan tâm bên ngoài thay vì bên trong. Việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là mong muốn được Chính phủ thực hiện nhiều năm qua. Trong khi đó chúng ta lại tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước, những cái khó dồn nặng lên doanh nghiệp nhỏ trong nước. Đây là điều lo lắng trong hội nhập”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Do đó, bà nhấn mạnh, để doanh nghiệp phát triển cần tạo khuôn khổ để doanh nghiệp có thể làm được tốt. Hiện có quá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được ra đời trong bối cảnh mới khiến doanh nghiệp dù muốn hay không phải áp dụng như các tiêu chuẩn nguyên liệu, lao động, môi trường… đòi hỏi doanh nghiệp phải có nỗ lực rất lớn.

Làm kinh doanh thì phải minh bạch

Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Chi Lan, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng làm kinh doanh phải minh bạch, không né tránh pháp luật.

Ông Thòn cho biết nếu như trước đây pháp luật chưa hoàn chỉnh và không công nhận việc mua bán, dẫn đến tình trạng những người đi buôn phải né tránh thì đến thời điểm này, Nhà nước pháp quyền đã thừa nhận bằng pháp lý đối với giới doanh nhân, đó là điều rất đáng mừng.

“Với cách làm của Lộc Trời, chúng tôi xây dựng niềm tin và chữ tín. Không có niềm tin, không có chữ tín thì không thể làm doanh nghiệp, không thể làm thương hiệu. Đặc biệt, hồn cốt của dân tộc là giữ đạo nghĩa, “trọng nghĩa khinh tài”.

Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý”, ông Thòn bày tỏ.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Cùng chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng cùng với sự phát triển của đất nước sau 30 năm đổi mới của đất nước, thế hệ doanh nhân F1 đã không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, thế hệ kế nghiệp F2 đang tiếp nối sự nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là thế hệ năng động, được đào tạo bài bản.

"Chúng tôi không phải không có lo lắng về thế hệ F2, làm thế nào để F2 phát triển tốt hơn nền tảng kinh doanh, hạ tầng, trong đó có nền tảng đạo đức mà thế hệ F1 đã dày công xây dựng”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đặt vấn đề.

Theo ông Đoàn, thế hệ F1 đã góp phần vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng thế hệ F2 có vai trò quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc. Để đạt được mục tiêu này, nền tảng đạo đức rất quan trọng.

“Tôi cho rằng, lâu nay chúng ta nhắc nhiều đến đạo đức doanh nhân tưởng chừng như cao xa, nhưng thực chất đạo đức là một phần không thể thiếu của mỗi doanh nhân cũng như là kiến thức, khát vọng, niềm tin… Đây là những tài sản của doanh nhân. Nói đến doanh nhân là nói đến người có đạo đức vì đại diện cho một vài chục, một vài trăm, một vài ngàn lao động, mỗi doanh nhân phải gương mẫu, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật”, ông Phạm Đình Đoàn bày tỏ.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/khong-de-doanh-nghiep-phai-tra-gia-cho-quyen-kinh-doanh-chinh-dang-a574238.html

Bạn đang đọc bài viết Không để doanh nghiệp phải “trả giá” cho quyền kinh doanh chính đáng tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất