Một cặp vợ chồng khai hoang, quản lý và sử dụng ổn định miếng đất ở xã Phước Long (Thủ Đức nay) có diện tích 1.120m2 từ năm 1975 đến năm 1991 thì có một người đàn ông là dân địa phương cho biết là đất của gia đình để lại và yêu cầu trả đất đồng thời bắt buộc làm giấy xác nhận trả đất, sau đó người vợ tìm hiểu, xác minh nguồn gốc phát hiện không phải nên hai vợ chồng tiếp tục quản lý sử dụng. Đến năm 2000 thì gia đình của người đàn ông trên cho phép nhiều người đến thuê đất, sau đó những người này tự ý san lấp, xây dựng và sử dụng toàn bộ mảnh đất đó cho đến nay.
Vừa qua tòa soạn nhận được đơn thư của bà Huỳnh Thị Bé, SN 1950, ngụ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với nội dung: Vào năm 1975 vợ chồng bà Huỳnh Thị Bé và ông Nguyễn Văn Ê (đã chết năm 2017) đến xã Phước Long nay thuộc quận Thủ Đức khai hoang một mảnh đất có diện tích 1.120m2 để trồng lúa và hoa màu, năm 1982 bà Bé có kê khai đăng ký theo chỉ thị 299/TTg, UBND xã Phước Long lập.
Đến năm 1991, đại diện phường Trường Thọ đến gặp bà Bé muốn mượn miếng đất để làm chốt dân phòng thì lúc này ông Nguyễn Văn Cương là người dân địa phương sinh sống gần đó đến ngăn cản và nói khu đất bà Bé đang quản lý, sử dụng là khu đất của gia tộc ông Cương và ông buộc bà Bé viết đơn xác nhận là bà Bé có quản lý canh tác trên miếng ruộng rộng 400 m2 do ông Nguyễn Văn Kỷ, bà Trương Thị Sơn (là ba mẹ của ông Cương) là chủ sở hữu. Sau đó bà Bé tìm hiểu và đi trích lục nguồn gốc miếng đất thì phát hiện khu đất mà bà Bé đang quản lý sử dụng là do ông Nguyễn Văn Thảo đứng bộ địa chính được tòa sơ thẩm Sài Gòn (chính quyền cũ) tuyên truất hữu trọn bộ 1.100 m2 vào ngày 11/7/1969, không phải đất của gia tộc ông Cương, nên bà Bé không giao đất cho ông Cương mà tiếp tục quản lý sử dụng cho đến năm 1999 và có kê khai đất đai cùng năm.
Năm 2000 bà Nguyễn Thị Kim Măng, SN 1957, ngụ tại 431 Xa Lộ Hà Nội, KP6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức là con gái ông Nguyễn Văn Cương trưng ra giấy xác nhận của bà Bé đã viết cho ông Cương trước đó vào năm 1991 (ông Cương đã chết năm 1998) rồi cho nhiều người thuê đất. Sau đó những người này đem xe cơ giới đến san ủi đất, xây dựng làm các hàng quán buôn bán, không cho bà Bé canh tác và sử dụng mảnh đất trên nữa. Bà Bé làm đơn gửi cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết kịp thời, đến khi những người thuê đất từ bà Măng xây dựng hoàn thành thì cơ quan chức năng đến lập biên bản yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu nhưng không ai chấp hành và sự việc tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
|
Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử ngày 17/08/2020. |
Phóng viên tìm gặp bà Nguyễn Thị Kim Măng tại địa chỉ 431 Xa Lộ Hà Nội, KP6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Sau khi trình bày muốn được gặp phỏng vấn, lấy thông tin đa chiều cho sự việc, bà cho biết: Bà không có nói gì hết, cứ để cho tòa xử, sau đó bà có mời phóng viên ngồi đợi và gọi điện thoại cho em gái bà. Trao đổi nhanh với em gái bà Măng qua điện thoại, em gái bà Măng cho biết: “Sự việc này đã kéo dài rất nhiều năm, nếu phóng viên muốn tìm hiểu thì có thể lên tòa án để lấy các thông tin, nguồn gốc có liên quan. Gia đình không cung cấp thông tin cho bất cứ cơ quan nào ngoại trừ Tòa án hoặc là chính quyền địa phương, mong phóng viên thông cảm”.
|
Đơn xác nhận của bà Bé lập với ông Nguyễn Văn Cương. |
Theo luật sư Nguyễn Hồng Vàng - Đoàn luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị Bé là nguyên đơn trong sự việc tranh chấp quyền sử dụng đất với bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Măng, phần đất tranh chấp nêu trên, là do hai vợ chồng bà Bé khai phá từ 1975 và cũng không biết rõ nguồn gốc đất của ai. Vì lẽ đó, năm 1991 ông Nguyễn Văn Cương (cha bà Măng) cho rằng nguồn gốc đất bà Bé sử dụng là của ông Nguyễn Văn Kỷ bà Trương Thị Sơn (ông bà nội bà Măng), nên ông Cương yêu cầu bà Bé viết giấy tay trả đất. Trên thực tế, bà Bé vẫn đang tiếp tục sử dụng và trích lục nguồn gốc đất thì phát hiện đất không phải của ông Nguyễn Văn Kỷ và bà Trương Thị Sơn mà là của ông Nguyễn Văn Thảo đã bị truất hữu. Do đó, bà Bé không trả đất mà tiếp tục sử dụng và đăng ký kê khai vào năm 1999. Đến năm 2000, bà Măng tự ý cho người khác thuê và san lấp mặt bằng. Việc làm này của bà Măng đã bị UBND phường Trường Thọ ngăn chặn.
Mặc khác, Công văn số 1701/UBND-TNMT phúc đáp văn bản số 5880/UBND-PCNC ngày 13/9/2007 của UBND Thành phố ngày 24/10/2007 do Chủ tịch UBND quận Thủ Đức - Trần Công Lý ký gửi đến UBND TP.HCM, Thanh tra Thành phố, có nội dung: “Nguồn gốc phần đất 901 tờ 01 Phước Long không phải của ông Nguyễn Văn Kỷ và bà Trương Thị Sô đứng bộ như đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Măng. Mặt khác từ sau năm 1975 đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Măng không có quá trình sử dụng đất, do đó việc tranh chấp đất của bà Nguyễn Thị Kim Măng là không có cơ sở. Phần đất 1.120m2 chế độ cũ đã truất hữu, nhưng từ sau năm 1975 đến nay gia đình bà Huỳnh Thị Bé đã khai thác sử dụng (theo xác nhận của UBND phường Trường Thọ ngày 15/11/2000) nên đủ điều kiện tiếp tục sử dụng. Đối với hành vi san lấp, lấn chiếm của bà Nguyễn Thị Kim Măng vào năm 2001, thực tế là bà Măng cho người khác thuê mướn mặt bằng, tự ý sang lấp, tuy nhiên việc san lấp đã được UBND phường Trường Thọ ngăn chặn và từ đó đến nay hiện trạng vẫn không thay đổi”.
Từ các căn cứ, hồ sơ, nguồn gốc tài liệu thu thập được, luật sư Nguyễn Hồng Vàng đề nghi Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tức bà Huỳnh Thị Bé.
Có thể thấy miếng đất tranh chấp thuộc thửa 901 tới thời điểm hiện tại có 2 chủ thể quản lý sử dụng ổn định qua 2 mốc thời gian tương đương: vợ chồng bà Bé khai hoang, quản lý, sử dụng ổn định 25 năm từ năm 1975 cho đến năm 2000 có kê khai vào các năm 1982 và 1999. Năm 2001 bà Măng “thừa kế” đòi đất theo giấy xác nhận trả đất của bà Bé cho ông Cương (cha ba Măng), sau đó cho nhiều người thuê, sử dụng đất làm hàng quán và có đăng ký kê khai cho đến nay là đúng 20 năm.
Trước đó bà Huỳnh Thị Bé đã khởi kiện bà Nguyễn Thị Kim Măng tại Tòa án nhân dân quận Thủ Đức cấp sơ thẩm: buộc bà Nguyễn Thị Kim Măng phải có trách nhiệm trả lại cho bà Huỳnh Thị Bé toàn bộ phần đất có diện tích 915,1m2 thuộc thửa số 901 tọa lạc tại KP6, phường Trường Thọ, Thủ Đức theo bản đồ giáp ranh 17474/ĐĐBD-CNTĐ ngày 25/11/2013 do Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lập, yêu cầu Ban giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức phải có trách nhiệm chi trả cho bà Huỳnh Thị Bé số tiền bồi thường liên quan đến phần thu hồi là 48,5m2 đất, số tiền là 335.897.200 đồng.
Ngày 17/9/2019, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị Bé và bác tất cả yêu cầu trên. Bà Bé kháng cáo lên Tòa án nhân dân TPHCM cấp phúc thẩm, sau nhiều lần xét xử và hoãn, vào ngày 24/08/2020 Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ tuyên án./.
(Còn tiếp).
Theo Nhóm PV/Sở hữu Trí tuệ