Có hay không hàng trăm nghìn tấn than thu hồi từ nghĩa trang An Lạc?
Cũng vì cái "tiếng tăm lẫy lừng" đó mà Tập đoàn Indevco được tỉnh Quảng Ninh "chọn mặt gửi vàng" khi "giao trách nhiệm" thực hiện dự án an sinh xã hội, xây dựng dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn (CTR) tại TP Hạ Long. Nghịch lý ở chỗ, mất thời gian, công sức, tiền của đầu tư vào dự án thì chính dự án này có thể sẽ chôn vùi toàn bộ những ý định tốt đẹp của doanh nghiệp đối với tỉnh, gây ra không biết bao nhiêu thị phi.
Bắt đầu từ Dự án nghĩa trang An Lạc
|
Theo tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, lịch sử hình thành Dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn ở Hoành Bồ (nay là Hạ Long) được khơi nguồn từ Dự án công viên nghĩa trang An Lạc.
Giai đoạn 2014-2015, để tạo cú hích cho địa phương phát triển nên Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư, triển khai một loạt những dự án kinh tế lớn làm thay đổi diện mạo TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, những dự án đó hầu hết đều là dự án kinh tế, thiếu những công trình an sinh xã hội.
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Indevco (ông Đỗ Thành Trung - PV) là người trưởng thành trên đất mỏ. Để thể hiện thành ý với nơi mình "khởi nghiệp", trưởng thành và phát triển kinh tế bao năm qua nên khi được tỉnh kêu gọi, Indevco đã xây dựng công trình an sinh là công viên nghĩa trang An Lạc tại Hoành Bồ với tổng số vốn đã đầu tư đến nay là trên 1.260 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Indevco, doanh thu của Dự án từ khi đưa vào sử dụng (từ năm 2017 đến 30/4/2021) là 221,6 tỷ đồng, tuy nhiên tổng lợi nhuận sau khi trừ các chi phí tính ra là… 9,7 tỷ đồng. Ông Dũng cho rằng, đối với người kinh doanh thì tổng lượng vốn đổ vào dự án An Lạc mà chỉ để tạo ra nguồn thu như vậy có thể coi là lỗ.
"Lấy một phép tính đơn giản là đem số tiền trên đi gửi ngân hàng, vì với lãi suất tiết kiệm 7%/năm trong những năm trước cũng đã sinh ra trên 88 tỷ đồng hàng năm mà lại bảo tồn được tiền gốc trong khi không mất công, mất chi phí quản lý và vận hành. Việc này có thể nhìn thấy trước cả khi bắt đầu triển khai dự án", ông Dũng phân tích.
Thu hồi than…
Quá trình triển khai làm Công viên nghĩa trang An Lạc, dư luận vẫn "râm ran" về việc Indevco thu hồi được rất nhiều than. Ông Đỗ Tiến Dũng thừa nhận việc thu hồi than là có nhưng nhiều đến mức đáng để bỏ ra hơn 1.200 tỷ làm dự án an sinh xã hội thì không đúng. Theo trần tình của Tổng Giám đốc Indevco, khi làm dự án công viên nghĩa trang An Lạc, Indevco không hề "mong hòng" có than ở đây mà mục đích là làm dự án an sinh để hi vọng sau này tỉnh sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn làm những dự án khác tại Quảng Ninh, mà định hướng chính là các ngành nghề sản xuất và dịch vụ công nghiệp, dịch vụ cảng biển như đang thực hiện ở các địa phương khác.
"Gần 10 năm nay chúng tôi đã không đầu tư thêm hay tham gia vào các dự án liên quan đến việc kinh doanh, chế biến than mà chuyển sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như kính xây dựng với thương hiệu kính CFG đang chiếm 70% thị phần kính xây dựng trong nước. Trước khi về quản lý các dự án tại Quảng Ninh (năm 2019), tôi phụ trách việc kinh doanh kính từ năm 2011, đảm nhiệm lo đầu ra vào, xuất nhập khẩu của nhà máy, sau là Giám đốc kinh doanh rồi giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Công CP Kính nổi Chu Lai từ 2016-2018.
Doanh thu từ việc sản xuất kính xây dựng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng năm là hơn 3.000 tỷ đồng trong các năm 2014-2016, sau tăng lên trên 6.000 tỷ đồng khi hoàn thành các dây chuyền 1 và 2 của nhà máy thứ 2 tại Ninh Bình. Vì vậy, trong tư tưởng và định hướng phát triển kinh doanh của tôi là sản xuất và dịch vụ công nghiệp. Cá nhân tôi chưa từng tham gia làm than và tôi thấy có rất nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận hợp pháp không liên quan đến than. Có lẽ ở Quảng Ninh có một suy nghĩ cố hữu là phải làm than mới có tiền, đối với tôi đây là điều khó hiểu", ông Dũng thẳng thắn chia sẻ.
"Nhiều người cho rằng Indevco đào than ở đây được hàng trăm, hàng nghìn tỷ nhưng trong các tài liệu của cơ quan chức năng chỉ có như vậy. Tôi tiếp quản các dự án ở Quảng Ninh từ 2019 nên không quá rõ chuyện quá khứ, nhưng theo logic nếu khu này nhiều than để khai thác lộ thiên thì Công ty than Hạ Long đã không khai thác hầm lò sâu vài trăm mét và rừng cây trên mặt bằng hiện trạng đã không còn khá nguyên vẹn như khi chúng tôi vào triển khai dự án" - ông Đỗ Tiến Dũng
Còn trong quá trình thi công dự án nghĩa trang An Lạc theo yêu cầu cấp bách của UBND tỉnh, ông Dũng cho biết Công ty không đặt vấn đề và không được phép khai thác tận thu than theo Luật khoáng sản. Việc thu hồi than chỉ phát sinh khi bốc xúc san lấp mặt bằng dự án thì phát hiện có than, đất đá lẫn than trong đất đá san gạt.
Để không lãng phí tài nguyên, Công ty đã chủ động làm văn bản báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Sau đó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư (Indevco) phải thu hồi, chế biến và bán lại cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Báo cáo Indevco gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam và gần đây nhất là Sở Tài chính, thể hiện từ năm 2015 đến 2017, Tập đoàn thu hồi được một lượng than, đất đá lẫn than gồm nhiều chủng loại, bán thu về tổng là 74,5 tỷ đồng, Công ty đã nộp đầy đủ các loại thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí môi trường trên 13 tỷ đồng.
Ngay như trong công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 3781 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tính cấp quyền khai thác khoáng sản đối với than thu hồi trong quá trình thi công dự án công viên nghĩa trang An Lạc cũng đã nêu rõ khối lượng các loại than thu hồi là 154.229 tấn than và 20.164m3 đất đá lẫn than.
Ông Dũng cho biết thêm, dẫu số liệu thu hồi than đã được đề cập rõ trong các văn bản từ cấp Bộ xuống đến tỉnh nhưng để rộng đường dư luận, mới đây Indevco tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh, trong đó nêu rõ: "Trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước có tài liệu chứng minh số lượng, chất lượng, chủng loại than Công ty đã thu hồi nhiều hơn số liệu báo cáo thì Công ty xin thực hiện đầy đủ nghĩ vụ phí, thuế theo quy định".