“Vỡ” hệ thống bán lẻ xăng dầu: Trách nhiệm của Bộ Công Thương

DTVN 17:51 12/10/2022

Doanh nghiệp cầu cứu, cây xăng tạm ngừng bán, người dân phải xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ để đổ xăng… là tình trạng xảy ra những ngày qua.

ình hình khan hiếm xăng dầu tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đang ngày một nghiêm trọng khi các các cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nguồn cung, phải tạm ngừng kinh doanh. Thậm chí, tình hình này cũng diễn ra tại một số cửa hàng xăng dầu khu vực phía Bắc, điển hình là Hà Nội.

Còn nhớ hồi tháng 2/2022, hàng loạt cây xăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam cũng đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Hơn 6 tháng sau, tình trạng này tiếp tục tiếp diễn với lý do tương tự.

Đặc biệt, từ giữa tháng 8 đến nay, sau thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu 1-2 tháng, các doanh nghiệp bán lẻ càng gặp khó khăn hơn về nguồn cung lẫn mức chiết khấu.

Đáng chú ý, trong ngày 7/10, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã gửi đơn “cầu cứu” đến Thủ tướng. Các doanh nghiệp này cho biết đã chạm ngưỡng không thể chịu đựng thêm vì bị lỗ kéo dài.

Read more...

Sau kỳ điều hành giá xăng dầu vào chiều 11/10, dù xăng đã tăng giá song tình hình cung ứng mặt hàng thiết yếu này vẫn không có nhiều thay đổi.

Dù vậy, Bộ Công Thương lại luôn khẳng định đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cơ quan này cũng cho rằng hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại Tp.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến. Bộ này dẫn chứng có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Trong bối cảnh đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.

Mấu chốt do chiết khấu thấp

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, mấu chốt của tình trạng thiếu xăng dầu, cây xăng tạm ngừng bán là do chi phí premium trong nước. Đây là chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở.

Theo ông Long, hiện nay chi phí premium không được tính đúng, tính đủ với thực tế nên doanh nghiệp gặp khó.

“Nếu giải quyết được vấn đề đó thì doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối mới có lợi nhuận, khi họ có lợi nhuận thì mới chiết khấu cho đại lý ở mức hợp lý, chứ không thể như hiện nay tình trạng chiết khấu 0 đồng, dẫn đến doanh nghiệp lỗ và nhiều cây xăng xin đóng cửa”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu vấn đề.

Người dân hết xăng phải dắt bộ di chuyển lên tìm cây xăng khác nằm ở đường Láng (Hà Nội) để đổ xăng trong sáng 11/10 (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Long cũng đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương luôn báo vẫn đủ nguồn cung ứng thì những đầu mối nhập khẩu, đầu mối cung ứng báo vẫn đủ, vậy tại sao doanh nghiệp bán lẻ không bán? Thậm chí doanh nghiệp đầu mối không muốn mua thêm nữa.

“Lẽ ra, khi có vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh và thực tế thị trường thì liên Bộ Công Thương – Tài chính phải báo cáo lên Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban điều hành giá để nghiên cứu, bàn luận tìm giải pháp, có các phương án để tháo gỡ điểm nghẽn”, ông nói.

Về trách nhiệm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhấn mạnh: “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xăng dầu không những về nguồn cung mà cả vấn đề giá. Nhưng cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc đề xuất, kiến nghị về mức chi phí chung và premium”.

Điều hành của Bộ Công Thương có vấn đề

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, rõ ràng việc nhập khẩu xăng dầu giảm 40% thì chuyện thiếu hụt là đương nhiên. Ông Thịnh cũng đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương đã tính như thế nào mà luôn khẳng định đủ nguồn cung cho thị trường trong nước?

“Bộ Công Thương phải tính được nhu cầu cho từng địa phương, cho từng tháng, từng vùng. Nếu đáp ứng được thì đủ, không đáp ứng được thì thiếu cục bộ. Cùng với đó, Bộ Công Thương phải giám sát, phân thời gian, sản lượng cho các đầu mối nhập về thì phải kiểm tra. Các đầu mối nào nhập về đầy đủ, đúng số lượng, thời điểm đáp ứng được cung ứng ra thị trường thì Bộ cho tiếp tục, còn doanh nghiệp nào không nhập đúng thời hạn, không đảm bảo cung ứng trên thị trường thì cần phải xem xét loại bỏ để cho người khác làm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Hình ảnh người dân xếp hàng dài chỉ để được đổ 30.000 đồng tiền xăng (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong câu chuyện thị trường diễn biến xấu trong những ngày qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận khi tình trạng chiết khấu 0 đồng và doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cho thị trường, thì liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng cần phải có cơ chế rõ ràng và thống nhất trên cơ sở thực tế để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bởi, không có doanh nghiệp nào có thể chịu được cảnh lỗ chồng lỗ kéo dài.

“Nói vậy để thấy rằng, quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề. Và trách nhiệm chính khi thuộc về Bộ Công Thương, mà cụ thể là người đứng đầu cơ quan điều hành này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói với Người Đưa Tin.

Trước tình này, theo thư mời hoả tốc tối 11/10, trong sáng nay (12/10), Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ đối thoại trực tiếp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, doanh nghiệp đầu mối, phân phối, bán lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.

Sáng 11/10, cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tăng giá trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ.

Thực trạng này dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu, rút ra bài học và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá thế giới có diễn biến bất lợi trong tương lai.

Chiều cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết 130 yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/vo-he-thong-ban-le-xang-dau-trach-nhiem-cua-bo-cong-thuong-a574360.html

Bạn đang đọc bài viết “Vỡ” hệ thống bán lẻ xăng dầu: Trách nhiệm của Bộ Công Thương tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất