Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.
Thông tư này đã sửa đổi một số điều của 11 Thông tư trước đây về quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm theo nguyên tắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng nhập khẩu.
|
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, Thông tư quy định DN được nộp các hồ sơ, tài liệu bản điện tử và cung cấp đường dẫn để cơ quan quản lý tra cứu trực tuyến và hậu kiểm, thể hiện phương thức quản lý mới, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với những khó khăn chưa có tiền lệ do dịch bệnh.
Thông tư cũng đã bãi bỏ 28 thông tư có các quy định đã hết hiệu lực, không còn phù hợp trong tất cả các lĩnh vực của Bộ.
Liên quan đến nhập khẩu hàng hoá có một số mặt hàng giao thoa giữa thực phẩm và dược liệu theo quy định của Thông tư 48/2018/TT-BYT ban hành năm 2018, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 7415/BYT-YDCT ngày 31/12/2020 gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tạo điều kiện cho DN áp dụng các quy định phù hợp với mục đích sử dụng của mặt hàng nhập khẩu để tạo điều kiện cho việc thông quan và vẫn quản lý được chất lượng dược liệu nhập khẩu. Theo đó, khi DN nhập khẩu dược liệu với mục đích sử dụng làm thực phẩm sẽ khai báo với Hải quan và áp dụng theo quy định với thực phẩm. Khi nhập với mục đích làm thuốc sẽ áp dụng quản lý theo dược liệu, nguyên liệu làm thuốc.
Bộ cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư 48/20018/TT-BYT để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc thực hiện Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế (ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam) gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Cụ thể, theo phản ánh, rất nhiều loại thực phẩm tiêu dùng thông thường như hành, tỏi, đậu nành… phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự các loại dược liệu.
Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN kinh doanh thực phẩm, vì vừa phải tuân thủ quy định quản lý về xuất nhập khẩu thực phẩm, vừa phải tuân thủ các quy định quản lý dược liệu. Đây không phải là các mặt hàng hiếm, chuyên dụng nên đưa vào quản lý như dược phẩm là không thật sự cần thiết.
Theo Chất lượng Việt Nam Online