Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, trao đổi hàng hóa, các nước cũng cần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích quốc gia. Để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, những năm gần đây, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nước ta không ngừng được hoàn thiện.
Để nâng cao hiệu lực điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ xã hội về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhà nước đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu lực từ 01/1/2007) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (có hiệu lực từ 1/8/2008). Đây là các luật chuyên ngành về chất lượng SPHH với phạm vi điều chỉnh tương đối đầy đủ, hệ thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Cơ sở của hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa chính là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành và áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là hoạt động quan trọng, xuyên suốt của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội… triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các thông lệ, cam kết quốc tế liên quan.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù vấn đề chất lượng SPHH ngày càng được đề cao với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế tại một số lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít tồn tại.
Một trong những vấn đề được chỉ ra là việc thực hiện quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung còn bất cập, như: nhiều sản phẩm có giá thành cao hơn so với giá thị trường, chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hoá chào thầu là một trong những yêu cầu quan trọng khi lập Hồ sơ mời thầu (HSMT) đối với các gói mua sắm hàng hoá. Yêu cầu này giúp chủ đầu tư lựa chọn hàng hoá chất lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm, đồng thời tạo sân chơi cạnh tranh đối với các nhà cung cấp.
Thế nhưng, tại nhiều Gói thầu mua sắm thuộc các dự án đầu tư phát triển của Công ty Điện lực Bắc Giang (Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao là chủ đầu tư) (HSMT) yêu cầu “một trong những hàng hoá chào thầu phải có xuất xứ của nhà thầu Công ty Tuấn Ân”...
Nhà thầu "quen mặt"?
Danh sách hàng chục gói thầu Công ty cổ phần Tuấn Ân Miền Bắc (Công ty Tuấn Ân) đã trúng thời gian qua tại Công ty Điện lực Bắc Giang cho thấy doanh nghiệp này thực sự là nhà thầu “quen mặt”. Cụ thể, gói thầu số 08.03 “Mua sẵn Atomat 1 pha 40A và 3 pha 100A bổ sung quý 3/2019, gói thầu được Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang Nguyễn Bá Sơn phê duyệt với dự toán 1.331.000.000 VNĐ.
Căn cứ Biên bản mở thầu, nhà thầu Liên danh Công ty Tuấn Ân - Công ty TNHH Phương Lai là một trong 4 nhà thầu đã tham dự gói thầu trên. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, nhà thầu liên danh Công ty Tuấn Ân-Công ty TNHH Phương Lai xếp thứ 2 (về giá dự thầu).
Khi đánh giá về kỹ thuật, tổ chuyên gia đấu thầu nhận định, Hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu trên không đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật HSDT quy định tại Hồ sơ mời thầu (HSMT).
Cụ thể, tại yêu cầu về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu và cung cấp phụ thay thế sau bán hàng quy định tại HSMT gói thầu trên nêu rõ, “nhà thầu phải có khả năng sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo trì bao gồm có mặt tại địa điểm do chủ đầu tư yêu cầu trong vòng 24h sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư…”.
Thế nhưng, căn cứ đề xuất kỹ thuật tại HSDT của nhà thầu liên danh Công ty Tuấn Ân-Phương Lai, tổ chuyên gia đấu thầu phát hiện, nhà thầu liên danh trên không có cam kết bảo hành theo quy định tại HSMT. Đồng thời, Công ty Điện lực Bắc Giang lại “cho phép” được “bổ sung” tại thời điểm thương thảo hợp đồng với lý do “các nhà thầu trong liên danh trên có nhiều năm cung cấp hàng hóa cho Công ty Điện lực Bắc Giang”.
Tương tự, một gói thầu khác mà nhà thầu Tuấn Ân tham gia cũng nhận được sự “ưu ái” bất ngờ từ phía Công ty Điện lực Bắc Giang. Đó là gói thầu 12.02: Mua sắm Áp tô mát quý 1 năm 2021 thuộc dự toán mua sắm thường xuyên do Công ty Điện lực Bắc Giang tổ chức đấu thầu. Nhà thầu Công ty Tuấn Ân tham gia (với tư cách thành viên liên danh) với giá dự thầu 3.150.754.750 đồng.
Theo quy định tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật HSDT quy định tại HSMT do chính Điện lực Bắc Giang phát hành, nhà thầu phải xuất trình ít nhất 02 tài liệu để chứng minh hàng hoá chính cung cấp đã được vận hành thương mại thỏa mãn yêu cầu khách hàng với thời gian tối thiểu là 02 năm trên lưới điện Việt Nam. Các xác nhận phải xác nhận cho hàng hóa cung cấp theo hợp đồng cụ thể mới được chấp nhận.
HSDT của nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Tuấn Ân Miền Bắc và Công ty Cổ phần Thiết bị điện Tương Lai “không đáp ứng” quy định trên căn cứ đánh giá tổ chuyên gia đấu thầu nhưng cũng vẫn được Công ty Điện lực Bắc Giang phê duyệt trúng thầu.
Chỉ tính 02 gói thầu trên, nhà thầu Công ty Tuấn Ân (thành viên liên danh) lần lượt trúng thầu với mức giá 973.500.000 đồng và 3.150.754.750 đồng.
Trong khi đó, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Ngoài ra, theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, việc cho phép nhà thầu bổ sung tài liệu kỹ thuật (từ không đáp ứng thành đáp ứng) như Điện Lực Bắc Giang thực hiện tại gói thầu số 08.03 cũng không đúng quy định pháp luật vì theo Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong những nguyên tắc thương thảo hợp đồng là không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của HSMT.
Yêu cầu hàng hoá chào thầu “phải” xuất xứ Tuấn Ân trong HSDT
Pháp luật đấu thầu nghiêm cấm việc đưa nhãn hiệu, xuất xứ khi lập HSMT. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Trong đó, HSMT/HS yêu cầu phải khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, đảm bảo theo đúng quy định và tính cạnh tranh của gói thầu, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Thế nhưng, rất nhiều HSMT gói thầu mà Công ty Tuấn Ân trúng thầu do Công ty Điện lực Bắc Giang lại xuất hiện nhiều quy định trái với quy định pháp luật.
Đơn cử, tại gói thầu Mua sắm vật tư thuộc Dự án cải tạo công trình lưới điện thuộc 02 huyện Lục Nam và Lạng Giang năm 2021, mặc dù quy mô và giá trị gói thầu xấp xỉ 10 tỷ đồng và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, thế nhưng, HSMT lại yêu cầu “một trong những hàng hoá chào thầu phải có xuất xứ của nhà thầu Công ty Tuấn Ân”, cụ thể như mặt hàng Dao cách ly 3 pha ngoài trời 24kV cách điện Polimer.
Và kết quả, Công ty Tuấn Ân (với tư cách thành viên liên danh) đã trúng thầu gói thầu trên với giá trúng thầu 9.962.962.130 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 150 ngày (Văn bản 664/QĐ-PCBG ngày 26/2/2021).
“Kịch bản” trên cũng tiếp tục “tái diễn” tại nhiều gói thầu mua sắm thuộc các dự án đầu tư phát triển có Công ty Điện lực Bắc Giang (Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao là chủ đầu tư) khi có nhà thầu Công ty Tuấn Ân tham dự và trúng thầu.
Đơn cử như gói thầu: Mua sắm vật tư thiết bị, Công trình: Xây dựng các xuất tuyến 22kV lộ 481, 472, 474 sau TBA 110kV Tân Yên. Yêu cầu kỹ thuật trong HSMT quy định: đối với Dao cách ly 3 pha ngoài trời 35kV cách điện Polimer phải xuất xứ Tuấn Ân; Dao cách ly 3 pha ngoài trời 24kV cách điện Polimer phải xuất xứ Tuấn Ân; Cách điện treo Polymer lưới 22kV xuất xứ Tuấn Ân.
Với hàng loạt yêu cầu kỹ thuật như vậy nên việc Công ty Tuấn Ân trúng thầu Gói thầu trên cũng là điều dễ hiểu. Tại văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 5/5/2020 do Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang phê duyệt, Công ty Tuân Ân (thành viên liên danh) đã trúng thầu với mức giá 3.818033.095 đồng. Thời gian thực hiện 150 ngày.
Theo thống kế từ đầu năm 2021 đến này, Công ty Tuấn Ân liên tục trúng thầu nhiều gói thấu có quy mô lớn đó Điện Lực Bắc Giang là chủ đầu tư. Đơn cử như Gói thầu: Mua sắm vật tư thiết bị thuộc Dự án: 1. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Thị trấn Chũ huyện Lục Ngạn bổ sung năm 2021; 2. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Biển Động, Hồng Giang, Kim Sơn, Nam Dương, Phú Nhuận, Tân Quang huyện Lục Ngạn bổ sung năm 2021; 3. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Biên Sơn, Cấm Sơn, Kiên Lao, Kiên Thành, Phong Minh, Phong Vân, Sa Lý, Tân Sơn, Trù Hựu huyện Lục Ngạn bổ sung năm 2021;
Gói thầu 04: Mua sắm thiết bị đóng cắt và tủ trung hạ thế thuộc Dự án Xây dựng và cải tạo lưới điện tỉnh Bắc Giang năm 2022; Gói thầu: Mua sắm vật tư thiết bị, dự án: Tên gói thầu: Mua sắm vật tư thiết bị, dự án: 1. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Thượng Lan, Tự Lan, Thị trấn Nếnh và Thị trấn Bích Động huyện Việt Yên năm 2021; 2. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Minh Đức, Nghĩa Trung, Ninh Sơn, Quảng Minh, Trung Sơn huyện Việt Yên năm 2021; 3. Xây dựng và cải tạo lưới điện các xã Đức Thắng, Hoàng Lương, Hoàng Vân, Ngọc Sơn, Xuân Cẩm huyện Hiệp Hòa năm 2021.
Câu hỏi dư luận đặt ra về trách nhiệm của Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang - ông Nguyễn Bá Sơn trước những quyết định phê duyệt trúng thầu đối với Công ty CP Tuấn Ân miền Bắc tại những gói thầu trên và nhiều gói thầu khác. Chất lượng Việt nam sẽ tiếp tục phản ánh.
Chỉ thị 47/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu, Điểm 5, khoản a, đối với xây dựng HSMT nêu rõ: Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.