Cùng với vắc xin dạng tiêm, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vắc xin dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Đi đầu trong kết quả nghiên cứu này chính là Nga đã phê duyệt vaccine Sputnik V dạng xịt đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng.
Vaccine do Viện Gamaleya, trực thuộc Bộ Y tế phát triển. Sputnik V dạng xịt có cơ chế giống phiên bản tiêm, chứa hai thành phần dựa trên vector adenovirus (virus cảm cúm vô hại) nhằm kích thích hệ miễn dịch sinh phản ứng. Hai liều vaccine được sử dụng cách nhau ba tuần.
Vaccine tạo khả năng miễn dịch niêm mạc, chống lại nCoV hình thành trong đường hô hấp trên. Cụ thể, việc sử dụng vaccine sẽ tạo phản ứng miễn dịch dịch thể, đồng thời đáp ứng miễn dịch tế bào đối với các ca nhiễm nCoV, theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế, hôm 2/4.
Hiện vaccine được sử dụng để ngăn ngừa Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko trước đó cho biết vaccine dạng xịt mũi có thể sử dụng như liều nhắc lại.
Hồi tháng 10/2021, Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn 2. "Các thử nghiệm cho thấy Sputnik V dạng tiêm hiệu quả chống biến chủng Omicron. Nó chắc chắn hiệu quả ở dạng xịt mũi", ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya nói.
Phiên bản gốc của Sputnik V bao gồm liệu trình hai mũi. Vaccine vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận. Theo Viện Gamаleya, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Sputnik V có hiệu quả 80% từ 6 đến 8 tháng sau khi tiêm chủng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã sử dụng vaccine dạng xịt như liều nhắc lại 6 tháng sau hai liều tiêu chuẩn vì lượng kháng thể giảm xuống. Ông không gặp tác dụng phụ hay biểu hiện bất thường.
Nga hồi tháng 11/2021 thông báo kế hoạch xuất khẩu vaccine. Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết nước này sẽ bán Sputnik V dạng xịt cho các quốc gia khác vào năm tới.
Nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu, phát triển các loại vaccine, thuốc xịt mũi giúp ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. Đây được coi là hình thức hiệu quả khi niêm mạc mũi được xác định là điểm xâm nhập chính của virus.
Liên quan tới vaccine dạng xịt, bà Soumya Swaminathan, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bà rất mong đợi “thế hệ thứ hai” của vaccine Covid-19, bao gồm vaccine dạng xịt và dạng uống. Bà cho biết, hiện đã có 129 loại vaccine phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng và 194 loại khác được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các vaccine này phát triển dựa trên mọi công nghệ và đang trong quá trình phát triển.
"Một số loại vaccine thuộc thế hệ thứ hai có thể mang nhiều lợi thế, nhất là vaccine dạng uống hay dạng xịt mũi, bởi chúng dễ đưa vào cơ thể hơn vaccine dạng tiêm. Không chỉ dừng lại ở Covid-19, chúng ta có thể sử dụng các nền tảng phát triển vaccine này cho những bệnh khác trong tương lai", bà Swaminathan cho hay.
“Không có loại vaccine nào hiệu quả 100%”, bà Swaminathan nhấn mạnh. “Chưa có ai từng tuyên bố vaccine sẽ có khả năng bảo vệ 100%. Nhưng 90% đã là mức bảo vệ tuyệt vời so với con số 0". Trưởng nhóm khoa học của WHO cũng giải thích ưu điểm của vaccine dạng xịt mũi. "Nếu xuất hiện phản ứng miễn dịch cục bộ, vaccine sẽ xử lý virus trước khi virus xâm nhập vào phổi và bắt đầu gây ra vấn đề", bà nói.