Một ngày trước thời khắc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những cơ hội và chiến lược để doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường này.

Trước bối cảnh đại dịch và tình hình kinh tế - thương mại, thị trường biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, Thứ trưởng nhận định gì về khả năng tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA, cũng như triển vọng hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu EU trong thời gian tới?

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ thời gian qua đã gây ra những tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại EU - một trong những khu vực tâm dịch của thế giới. Dịch bệnh đã gây ra một cú sốc kinh tế trầm trọng đối với toàn khối Liên minh và các nước thành viên. Ủy ban châu Âu dự kiến GDP 2020 sẽ giảm xuống mức -7,4%.

Những biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - thương mại và dẫn đến những thay đổi chính sách cũng như tập quán, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu. Thực tế cho thấy nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng và sức mua tại EU suy giảm mạnh; giao thương, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn đáng kể.

Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu của EU với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU 2 quý đầu năm 2020 giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2019, với kim ngạch khoảng 16,41 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự sụt giảm kim ngạch này chỉ là tạm thời và là tình trạng chung trên thế giới tại thời điểm khó khăn như hiện nay; đồng thời lạc quan vào sự tăng trưởng trở lại khi kinh tế dần mở cửa và khôi phục hậu đại dịch.

Đặc biệt, với việc đưa EVFTA đi vào thực thi, trên nền tảng của mối quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, tôi hoàn toàn tin tưởng với các cam kết mạnh mẽ, Hiệp định sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đầy triển vọng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, tạo xung lực mới cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Trước những nhận định của Thứ trưởng về triển vọng tươi sáng trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, đặc biệt khi EVFTA đi vào hiệu lực, xin Thứ trưởng cho biết công tác phát triển thị trường giai đoạn tới cần xây dựng định hướng và chiến lược phù hợp như thế nào?

EU là thị trường có dung lượng lớn và đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP khoảng 16 nghìn tỷ USD; đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Việc tiếp cận, thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác giao thương với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam một mặt cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác thương mại trọng điểm, các thị trường cửa ngõ trong khu vực điển hình như Đức, Hà Lan, Pháp, Italia, Bỉ. Mặt khác cần mở rộng khảo sát, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa tiềm năng như Ba Lan (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,37%), Hungary (745 triệu, tăng 15,55%); Slovenia (411 triệu, tăng 15,34%), Rumani (261 triệu, tăng 19,72%), Bungary (108 triệu, tăng 22,10%). Đây là những thị trường nhỏ có quan hệ truyền thống lâu dài và đạt tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong những năm trở lại đây. Ngoài ra, các thị trường Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan cũng cần có kế hoạch khai thác hiệu quả, triệt để hơn nữa trong thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường, trên nền tảng hiệu quả của các FTAs mang lại, Bộ Công Thương chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đàm phán các FTA với các đối tác quan trọng khác như Anh và khối EFTA để mở rộng hơn nữa cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện các nhóm giải pháp lớn, tạo môi trường thuận lợi cho việc đẩy mạnh những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đồng thời gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ tập trung vào các mặt hàng truyền thống vốn là thế mạnh như dệt may, da giày, nông lâm thuỷ sản, điện thoại, kinh kiện… mà cần nghiên cứu đẩy mạnh trao đổi các nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, thân thiện môi trường, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho hàng hóa Việt.

Một ngày trước thời khắc Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Thứ trưởng có thông điệp gì muốn truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp?

Rõ ràng Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại và đầu tư, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp để chinh phục thành công thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và biến động kinh tế - thương mại phức tạp, khó lường như hiện nay. Phải nhìn nhận EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh; những ưu đãi từ hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ, tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới tư duy tiếp cận toàn cầu.

Thực tế cho thấy, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với các mặt hàng nhập khẩu. Để thâm nhập và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU đặt ra bài toán không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt bởi hạn chế về năng lực sản xuất, chế biến nội tại, cũng như thiếu thông tin thị trường. Việc tiến hành khảo sát và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cần có đầu tư về kinh phí trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động xúc tiến thương mại nhìn chung chưa bài bản và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm khách hàng, tiếp thị sản phẩm và thâm nhập thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động theo dõi sát sao các biến động thị trường và nắm bắt thông tin hiệp định; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản, trước mắt để đảm bảo năng lực cung ứng và nhanh chóng khôi phục xuất khẩu giai đoạn hậu Covid; tận dụng tối đa những ưu đãi khi EVFTA đi vào thực thi để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần tại EU.

Về xuất khẩu, để phát triển thị phần tại EU, doanh nghiệp cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Doanh nghiệp Việt Nam nên gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp; chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/evfta-se-mo-ra-mot-giai-doan-phat-trien-day-trien-vong-cho-viet-nam-141360.html

Bạn đang đọc bài viết EVFTA sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đầy triển vọng cho Việt Nam tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành
Tin tức mới nhất