Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trong đó có nêu rõ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) phải có biện pháp động viên mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân hăng hái khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020.
Đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, VINASME đã tổ chức cuộc họp bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid – 19.
Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan đơn vị của VINASME: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các biện pháp phòng dịch cần thận trọng để tránh tình trạng đóng băng mọi hoạt động của doanh nghiệp.
|
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME |
Theo TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME: Dưới góc độ của một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, VINASME sẽ triển khai những biện pháp thiết thực để doanh nghiệp “ tăng sức đề kháng” trước dịch Covid-19. Trước mắt, các doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.
Đồng thời phải có chính sách giữ chân lực lượng lao động chủ chốt để đảm bảo ổn định ngay sau khi dịch kết thúc. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ… thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch.
|
TS.Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME |
Ngoài ra, công tác kiểm soát tại cửa khẩu phải chú trọng vào việc tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan thay vì gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cần khuyến khích mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động thương mại điện tử, B2B, hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các thị trường mới ngoài Trung Quốc.
Cần thúc đẩy các mô hình “số” như nhà máy số để đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản, lưu kho chờ vận chuyển; hay tiếp thị số cho hoạt động quảng bá du lịch qua thị trường châu Âu, châu Úc, đặc biệt là chính sách miễn thị thực cho một số thị trường có uy tín cao, hoặc kéo dài thời gian miễn thị thực cho các thị trường cũ. Việc áp dụng thực chất các hiệp định FTA đã có hiệu lực cũng hết sức quan trọng vào thời điểm hiện nay.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ