Trạm Phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ ngay trước ngày lập hồ sơ xét duyệt công trình văn hóa
Chiều ngày 9/2 vừa qua, đơn vị quản lý tòa nhà 1 tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai (số 128C/22 Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa đã phá dỡ trạm phát sóng Bạch Mai ngay trước hôm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở VHTT&DL lập hồ sơ xét duyệt đây là công trình văn hóa cấp thành phố.
Chỉ đến khi nhận được yêu cầu tạm dừng của UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm, đơn vị này mới dừng việc phá dỡ vào vào sáng 10/2.
|
Cơ quan chức năng liên tiếp ra yêu cầu đơn vị quản lý dừng ngay việc phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng công trình, bao gồm cả vật liệu do đơn vị tự ý phá dỡ. |
Cơ quan chức năng liên tiếp ra yêu cầu đơn vị quản lý dừng ngay việc phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng công trình, bao gồm cả vật liệu do đơn vị tự ý phá dỡ. Đồng thời, đơn vị này phải có trách nhiệm quản lý mặt bằng, có biện pháp giải quyết các ảnh hưởng đối với công trình liền kề.
Về giá trị lịch sử, trạm phát sóng Bạch Mai chính là nơi đầu tiên phát đi Bản tuyên ngôn độc (năm 1945) và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946). Một phần diện tích trạm phát sóng Bạch Mai phạm vào dự án xây dựng đường vành đai 2 trên cao. Tuy nhiên, chủ trương của cơ quan chức năng TP. Hà Nội là giữ lại công trình này để bảo tồn văn hóa. Ý kiến đó đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà chuyên môn.
Ông Đinh Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đơn vị quản lý trên có trách nhiệm bàn giao mặt bằng và không được phép tự ý tháo dỡ. Tức là đơn vị này có nghĩa vụ bàn giao công trình cho Ban quản lý dự án, khi đó đơn vị phá dỡ mới đưa ra phương án phù hợp cho việc giải tỏa phần công trình nằm trong quy hoạch. Đồng thời, Ban quản lý dự án sẽ bảo đảm an toàn cho các công trình xung quanh.
Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành đền bù cho Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa. Theo quy định thì sau khi nhận tiền đền bù, doanh nghiệp phải bàn giao lại công trình này cho UBND TP. Hà Nội.
Theo văn bản số 847/SXD-QLN ra ngày 20/1/2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, liên quan đến điểm đất nêu trên, chỉ rõ: “Đối với trạm phát thanh 1 tầng (cách biệt thự cũ khoảng 200m), qua kiểm tra, liên ngành đánh giá đây là công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1954. Hiện UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc lập danh mục để bảo tồn, tôn tạo”.
Theo công văn này, Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa “đã nhận tiền đền bù, nhưng chưa bàn giao mặt bằng”. Như vậy, câu hỏi đặt ra là việc đơn vị quản lý không nắm được thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội có phải là thiếu căn cứ?
Kể cả trường hợp phải giải tỏa mặt bằng, công trình nhà 1 tầng trên chỉ bị quy hoạch một góc nhỏ của gian đầu tiên. Song đơn vị quản lý lại cho phá dỡ hầu hết các gian phòng. Theo đó, ngôi nhà bị đập hoàn toàn gian đầu tiên, 4 gian còn lại thì 3 gian bị bóc mái ngói và lớp trần bằng bê tông cũng bị khoan thủng.
|
Tòa nhà 1 tầng thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ. |
Chiều ngày 14/2/2020, ông Hiếu cho biết: "Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo thành phố, chúng tôi đang làm văn bản gửi tới Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa - doanh nghiệp quản lý trạm phát sóng Bạch Mai phải hoàn trả lại hiện trạng như trước khi đơn vị tiến hành phá dỡ vào ngày 9/2".
Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm Đinh Đức Hiếu cũng cho biết, hiện tại cơ quan chức năng đang lập biên bản về sai phạm “tự ý phá dỡ” trên của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hoá. Đồng thời xin ý kiến cấp trên về hình thức xử lý đối với đơn vị trên theo quy định pháp luật.
Nguồn lợi kinh tế là quá lớn từ việc phá dỡ để xây nhà cao tầng
Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam nói rằng, việc chủ công trình đập bỏ tòa nhà trạm phát sóng Bạch Mai cho thấy "họ đã đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng", bởi nguồn lợi kinh tế thu được là quá lớn cho chủ công trình từ việc phá dỡ để xây nhà cao tầng.
Đã quan sát công trình bị phá dỡ, kiến trúc sư Lân cho rằng việc khôi phục hình dáng của tòa nhà này không khó nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên công trình cũng bị giảm giá trị tổng thể.
Tòa nhà 1 tầng này và biệt thự số 128C Đại La từng là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp (thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912).
Đây là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945. Đây cũng là nơi phát thanh viên Ngân Thanh, phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam, đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Là cụm công trình gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) qua nhiều thời kỳ, do đó vào những dịp kỷ niệm 50 năm (năm 1999) và 60 năm (năm 2009) thành lập, lãnh đạo VOV gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai.
Theo các nhà nghiên cứu và bảo tồn kiến trúc Việt Nam, việc đơn vị quản lý tự ý phá dỡ công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa tại số 128C/22 Đại La tạo ra tiền lệ xấu ngay giữa lòng Hà Nội.
Ngày nay khi xã hội càng hiện đại, công nghệ càng phát triển thì con người lại cần lưu giữ tốt hơn những di tích lịch sử, để làm giàu thêm những giá trị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là điều mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp đã làm được.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ