Chiều 2/3/2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh họp, nghe báo cáo công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn và công tác khoanh vùng, kiểm soát cách ly vùng có dịch tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên).
Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh chủ trì hội nghị.
Tính đến thời điểm ngày 2/3/2020, trên địa bàn tỉnh đã trải qua 22 ngày không xuất hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19. Trên địa bàn xã Sơn Lôi và huyện Bình Xuyên cũng như toàn tỉnh không còn nguồn lây Covid-19 ra cộng đồng. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng đã cách ly toàn xã được 20 ngày, còn 1 ngày nữa là có thể dừng theo quy định.
Các trường hợp được nghi ngờ từ bên ngoài vào địa phương, đặc biệt từ các nước đang có dịch đang được giám sát, cách ly theo dõi theo quy định để đảm bảo không có dịch trở lại trên địa bàn. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 3 trường hợp được theo dõi, điều trị chưa hết thời gian cách ly (1 trường hợp là người Hàn Quốc).
Sau gần 20 ngày thực hiện công tác khoanh vùng, kiểm soát cách ly vùng có dịch tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên), qua thời gian thực hiện cho thấy: Các lực lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bước đầu góp phần làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn; tạo được niềm tin với nhân dân đối với công tác phòng, chống Covid-19 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong thời gian qua.
|
Các lực lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bước đầu góp phần làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn; tạo được niềm tin với nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. |
Trước đó, ngày 13/2 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong 20 ngày để khoanh vùng, dập dịch Covid-19. Nơi đây được coi là vùng tâm dịch của Vĩnh Phúc với 6 trường hợp dương tính với Covid-19. Đến nay, cả 6 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Dừng cách ly, song Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm mới. Phó thủ tướng nhấn mạnh lại thông điệp Việt Nam mới chỉ thắng trận đầu, chưa thắng cả cuộc chiến nên không được lơi lỏng một phút nào, và phương pháp, "chiến thuật" chống dịch phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Quan điểm không thể "bế quan tỏa cảng" nên ngày càng khó phát hiện nguồn lây nhiễm, và nhiều nước phải tính đến phương pháp nhằm ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, phải tính toán cụ thể từng bước đi thiết thực với tinh thần không được chủ quan…
Để ngăn chặn hiệu quả, ông Đam yêu cầu tập trung hơn nữa vào khâu "phát hiện", phát động tất cả người dân, các cơ quan, đoàn thể… tham gia chống dịch, theo phương châm không chỉ tự chống dịch cho mình, cho cộng đồng, mà còn phải phát hiện các trường hợp nghi ngờ, kịp thời thông báo cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để áp dụng các biện pháp y tế phù hợp, theo dõi sức khoẻ, sàng lọc, điều trị.
Bộ Y tế cần tiếp tục tập huấn nghiệp vụ, tăng cường kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả cơ sở y tế từ cấp xã trở lên, để có những người nhiễm hay có các biểu hiện nghi ngờ thì thực hiện ngay tại y tế tuyến cơ sở có sự kết nối, hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành...