Vai trò của các cơ quan giám sát về an toàn môi trường ở đâu?
Tin tức trên Báo Đầu tư, ngày 9/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác mặt trận đến cuối năm 2019 và khai trương hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến.
Tại Hội nghị này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn đánh giá rằng trong thời gian qua sự phối hợp của các cơ quan trong mặt trận còn rời rạc.
Dẫn chứng về vụ cháy tại CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần đặt ra trách nhiệm, vai trò của các cơ quan giám sát về an toàn môi trường, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chưa có động thái vào giám sát.
“Đáng ra phải nghe ngóng ý kiến nhân dân xem tình hình thế nào để phản ánh kịp thời, và đặc biệt, phải giám sát độc lập trong vụ việc này,” ông Mẫn nói.
Tham gia hội nghị trực tuyến ở đầu cầu Hà Nội, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho biết, sau khi sự cố xảy ra Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức nắm bắt tình hình cũng như ý kiến của nhân dân trên hai phường trực tiếp chịu tác động của vụ cháy là phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung. Mặt trận Tổ quốc thành phố sẽ tham gia giám sát việc khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn. Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân hai phường.
Người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cần lưu ý gì?
Thông tin trên Báo điện tử Chính phủ, Tổng cục Môi trường cho hay, theo báo cáo ban đầu của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, đơn vị này mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng; khối lượng hóa chất còn lại là: 4.510.712 viên Amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; Hg lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.
|
Hiện trường vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông tối 28/8/2019 (Ảnh: KTĐT) |
Theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc, thì sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường nêu trên ở mức trung bình (cấp cơ sở), xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc trách nhiệm chỉ đạo, xử lý của địa phương. Ngay sau khi xảy ra sự cố, thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng phòng cháy chữa cháy, các ngành chức năng tham gia ứng phó, xử lý kịp thời.
Trước lo ngại của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội theo dõi sát vụ việc; chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất, không khí, nước, trầm tích đáy và tàn dư tro xỉ sau sự cố để đánh giá dư lượng hóa chất còn lại trong các thành phần môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý.
Từ ngày 30/8/2019 đến ngày 01/9/2019, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh gồm: môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất khu vực xung quanh.
|
Các kỹ sư quan trắc đo chất lượng không khí sau vụ cháy (Ảnh: Saostar) |
Tổng cục Môi trường cho biết, các kết quả quan trắc cho thấy, hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình cháy, hầu hết lượng Hg trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy. Tại thời điểm cháy, lượng Hg và các chất khí độc hại đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh; theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 m.
Kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào Công ty cho thấy mặc dù hàm lượng Hg không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể (thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp), đặc biệt do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở, nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.
Do vậy, khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty cần thực hiện các biện pháp như: phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở…
Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ; đối với người người dân trong bán kính từ 200 m – 500 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc Hg.